Nội dung trên được nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu thuộc các trung tâm nghiên cứu lớn của Nga đồng thuận tại Hội thảo "Cơ chế giải quyết tranh chấp lãnh thổ trên ví dụ Biển Đông", do Học viện Tư pháp Liên bang Nga phối hợp với Trung tâm Luật hòa bình tổ chức hôm 29/9.
Phát biểu tại Hội thảo, tiến sĩ Lokshin G.M, Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga, cho rằng phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) đã đặt dấu chấm hết cho tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc khi thừa nhận rằng "đường chín đoạn" mà nước này tự vạch ra không dựa trên bất kỳ cơ sở nào và không có hiệu lực pháp lý.
"Việc Trung Quốc chiếm đóng các đảo thuộc các quần đảo và xây dựng đường chín đoạn trên cơ sở 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế là hoàn toàn trái ngược với quy định của luật pháp quốc tế", ông nói. "Yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý và lịch sử nào. Tất cả những bằng chứng lịch sử mà các nhà khoa học Trung Quốc dựa vào đều không thuyết phục và chưa được chứng minh. Về cơ bản nó chỉ dựa trên những khẳng định liên quan đến phát hiện, xâm chiếm và quan hệ giữa các triều đại Trung Hoa với các nước chư hầu trong khu vực".
Các học giả và hơn 100 sinh viên Học viện Tư pháp Liên bang Nga tham gia Hội thảo cũng đồng tình rằng phán quyết của PCA dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế, UNCLOS và nghiên cứu kỹ lưỡng hiện trạng và lịch sử Biển Đông. Họ xem đây là một cơ sở quan trọng để giải quyết tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông và các bên liên quan cần phải nghiêm túc tuân thủ phán quyết.
Các chuyên gia đánh giá vụ kiện của Philippines và phán quyết của PCA đã tạo ra một bước ngoặt trong cuộc tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông, là một bài học kinh nghiệm và là cơ sở để các nước trong khu vực Đông Nam Á đấu tranh bảo vệ chủ quyền của mình.
Bất chấp sự ủng hộ của quốc tế với phán quyết của PAC, Trung Quốc tuyên bố không chấp nhận và không tuân thủ quyết định này.
Xem thêm: Tổng thống Philippines: Đàm phán với Trung Quốc phải dựa trên phán quyết của tòa
Anh Ngọc