"Những hành động xâm phạm lãnh thổ, tập trận, bắt bớ, tôn tạo đảo nhân tạo, đặc biệt là đường lưỡi bò, tất cả những điều đó không đúng pháp luật, và rõ ràng làm mất đi lòng tin của các nước, nhất là đối với Việt Nam và các nước ASEAN", PGS.TS. Nguyễn Duy Dũng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, cho hay tại hội thảo "Xây dựng lòng tin ở châu Á".
"Một khi còn đường lưỡi bò, các quốc gia không tin tưởng Trung Quốc", Tiến sĩ Nguyễn Thanh Minh, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Bộ Quốc phòng, nói, ý chỉ đường 9 đoạn thể hiện yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh ở Biển Đông. Ông Minh cũng cho rằng đường này không có cơ sở pháp lý.
Tranh luận về người cầm lái ASEAN
Tuy nhiên, về vai trò trung tâm của ASEAN, các học giả Việt Nam và quốc tế tại hội thảo còn có ý kiến trái chiều.
Người ASEAN luôn nói họ có vị trí cầm lái, nhưng họ không biết lái đi đâu, ông William Choong, chuyên gia cao cấp, Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế Singapore, dẫn lại lời một cựu tổng thư ký ASEAN từng chia sẻ với ông trong một buổi trò chuyện. Theo ông Choong, điều này về cơ bản mô tả cách tiếp cận của ASEAN đối với Biển Đông.
Ông Choong cho rằng ASEAN chưa thể có Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông cho thấy thiếu một phản ứng rõ ràng và đoàn kết đối với chiến lược "cắt lát Salami", hay "chia để trị" của Trung Quốc ở vùng biển này.
Chung quan điểm, ông Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao cho rằng khi kiến trúc khu vực đang nổi lên và thay đổi nhanh chóng, ASEAN có nguy cơ mất vai trò trung tâm. "Vì nó đối mặt với khủng hoảng lãnh đạo. ASEAN ngày nay như một đàn bò không có con dẫn đầu", ông Thái nói.
ASEAN cũng mất phương hướng trong việc quan hệ với các nước lớn, không biết ưu tiên nước nào. Do đó, ông Thái cho rằng cải cách là cần thiết và không tránh khỏi. "Cải cách cần được thực hiện càng sớm càng tốt. Chúng ta lãnh đạo kém nhưng có thành viên mạnh. Những thành viên mạnh phải điều phối tốt hơn để ASEAN trở nên bền vững hơn", ông Thái nói.
Giáo sư Renato De Castro, thuộc Đại học De La Salle, Philippines, còn lo ngại trong tương lai gần, vai trò ASEAN giảm, có thể dẫn đến chia rẽ nội bộ hiệp hội. Khi tàu Mỹ thực hiện chiến dịch tự do hàng hải ở Biển Đông, các nước trong khu vực như Malaysia và Indonesia cũng lên tiếng. Renato cho rằng sự trỗi dậy của một nước lớn khiến các nước khác lo lắng với những gì có thể xảy ra với họ. Và cạnh tranh giữa các nước lớn có thể khiến các nước nhỏ rơi vào "bẫy cạnh tranh".
Tuy nhiên, PGS.TS Phạm Quang Minh, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, "thất vọng về việc đánh giá vai trò của ASEAN". "Ai có thể thay thế cho ASEAN trong khu vực này?", ông Minh hỏi. Ông thừa nhận vai trò của ASEAN có nhiều thách thức và nhược điểm, nhưng cho rằng không có nước nào, dù là Mỹ hay Trung Quốc, thay thế được vai trò tổ chức này.
"Sự chi phối của các nước lớn trong Chiến tranh Lạnh đã qua. Đã đến lúc các nước nhỏ và vừa trỗi dậy, hợp tác với nhau và đóng vai trò mạnh mẽ hơn", ông Minh nói. Ông cũng cho rằng các nước lớn cần hợp tác với các nước nhỏ và vừa, và chỉ có lợi khi hợp tác với ASEAN.
"Nhiều người nói rằng ASEAN không làm được gì, nhưng tôi không nghĩ ASEAN luôn luôn im lặng", Giáo sư Tiến sĩ Oba Mie, thuộc Đại học Khoa học Tokyo, cho biết. Ví dụ là tháng 11 tuần trước, ASEAN có tuyên bố rõ ràng về vấn đề Biển Đông, họ thể hiện quan ngại trước sự hiện diện ngày càng lớn, việc tăng cường quân sự hóa ở Biển Đông.
Cho lòng tin là gấp đôi sức mạnh
Bình luận tại sự kiện, ông Nguyễn Huy Khải, Viện phó Viện Nghiên cứu những vấn đề phát triển của Việt Nam (VIDS), nguyên thành viên ban cố vấn của Thủ tướng, cho rằng phải xây dựng lòng tin với nhau để đối trọng lại "sự hung hăng của Trung Quốc".
Ông cho rằng không thể có một quốc gia nào đơn lẻ chống lại được sự hung hăng đó, mà "đấy là sự đoàn kết, nhất trí của cả châu Á".
"Việt Nam ở Đông Nam Á, Nhật Bản ở Đông Bắc Á. Hai khối đầu ở Đông Bắc Á và Đông Nam Á này, nếu như nối kết lại được sẽ là một sợi dây quan trọng trong kết nối với ASEAN và với thế giới bên ngoài".
"Hôm nay chúng ta cho lòng tin là cho gấp đôi sức mạnh", ông Khải nhận định.
Trọng Giáp