Sáng tháng 6, trời miền Trung nắng cháy bỗng hạ nhiệt, bà Việt khấp khởi vì thời tiết chuyển biến đúng như dự liệu. Tuần trước, bà đã đặt 1.000 bông hoa hồng từ Đà Lạt về nhà mình ở huyện Nông Cống để vài ngày tới ướp hoa theo đơn đặt hàng.
"Trong nghề 'ướp hoa bất tử', ngoài kỹ thuật, thời tiết là yếu tố quan trọng nhất. Thời tiết nóng quá hoặc lạnh quá cũng không làm được. Đúng thời tiết, đúng kỹ thuật thì sẽ như lọ hoa này, 13 năm rồi vẫn không biến sắc", người phụ nữ 63 tuổi nói, tay chỉ vào lọ hoa hồng trưng trong phòng khách. Đó là lọ hoa đầu tiên bà Việt làm khi về Việt Nam.
Hồi năm 2001, vợ chồng bà đến hạn phải trả một khoản vay ngân hàng do mua đất đồi theo dự án phủ xanh đất trống, đồi núi trọc. Nhưng bạch đàn chưa được khai thác thì hạn vay hết. Lãi chồng lãi, vừa làm lò gạch, vừa trồng trọt, buôn bán cũng chỉ giúp vợ chồng bà trả lãi. Được người quen giới thiệu, người phụ nữ quyết định sang Thái Lan làm giúp việc gia đình, mong thu nhập khá hơn để nhanh trả hết nợ.
"Khi đi, tôi chỉ học được một câu duy nhất bằng tiếng Thái 'Cái này là cái gì?', để người ta trả lời, mình ghi lại rồi học thuộc", bà kể.
Việc đầu tiên người phụ nữ này làm khi sang đất Thái là mua một tấm bản đồ thế giới. Bà tìm xem mình đang đứng ở chỗ nào và đường nào về nước nhanh nhất, đề phòng gặp rủi ro nơi đất khách.
Nhưng bà Việt nhận ra thứ khó vượt qua nhất chính là nỗi nhớ nhà. "Sáng nào tôi cũng nhìn về phía mặt trời mọc vì hướng đó là quê hương mình", người phụ nữ nói. Hàng ngày, bà nấu ăn phục vụ chủ nhà và chăm sóc đứa trẻ hai tuổi sau khi bé đi học về. Nữ giúp việc nhận mức lương 4.000 baht (thời điểm đó khoảng 1,2 triệu đồng), trong khi nghề này ở Việt Nam chỉ khoảng 400.000 đồng mỗi tháng.
Vốn luôn chân luôn tay, nay nhàn rỗi lại không có ai để trò chuyện, bà Việt ở được sáu tháng thì xin nghỉ việc. "Tôi muốn bận rộn cả ngày", nữ giúp việc nói với chủ nhà bằng tiếng Thái ít ỏi. Muốn giữ người làm, chủ nhà mang hoa và sách hướng dẫn kỹ thuật ướp hoa tươi theo công nghệ Nhật Bản của người quen về để bà học nghề.
Không được hứa hẹn trả lương nhưng thích công việc này nên bà Việt không quản công sức. Hàng ngày, bà dậy trước năm giờ làm hết việc nhà để có thời gian học kỹ thuật. Có lần bà cố dậy sớm để tỉa cành, nhưng làm sai nên bị chủ nhà mắng té tát. "Tôi thức khuya dậy sớm học nghề mà bị chửi thì tủi thân lắm. Nhưng biết sai, tôi chỉ xin lỗi rồi làm lại", nữ giúp việc nhớ lại.
Suốt một tháng thử nghiệm, bà Việt ướp được hoa theo đúng chuẩn phương pháp, chủ nhà tin tưởng thuê thêm người về mở xưởng sản xuất tại nhà. Nữ giúp việc tuyển thêm 10 người Việt Nam vào học và làm nghề. Kể từ đó, bà bàn giao việc chăm sóc nhà chủ cho người khác, chấm dứt đời osin.
Có lần người làm đông, hóa đơn của ông chủ bị mất, ông này nổi giận, bắt người làm ra tận bãi rác thành phố để tìm lại. Tìm không được, ông tuyên bố đuổi tất cả nhân viên. "Cuộc sống nơi xứ người đầy tủi nhục. Tôi tự hứa với lòng mình không bao giờ để con cháu phải ra nước ngoài kiếm miếng cơm nữa. Nhưng tôi cố nhẫn nhịn học bằng được, vì tin về nước sẽ sống được với nghề này", bà nói.
Những người Việt làm cùng tủi thân nên muốn nghỉ việc, bà Việt động viên họ kiên nhẫn: "Khi ông chủ bình tĩnh lại biết lựa chọn nào mới là tốt. Để xây dựng được xưởng và đào tạo được người làm được việc như chúng ta không phải dễ. Chẳng dại gì họ đuổi". Đúng như bà Việt tính, ngày hôm sau, ông chủ xin lỗi và giữ mọi người ở lại.
Sau hai năm làm hoa tươi bất tử theo kỹ thuật của Nhật Bản, xưởng sản xuất do bà Việt quản lý bỗng nổi tiếng trên truyền thông Thái Lan. Lúc này, người phụ nữ Việt Nam tự tin trả lời phỏng vấn báo chí, giới thiệu quy trình ướp hoa bằng tiếng Thái.
Cũng đúng đợt ấy, bà Việt nhận được thư của chồng báo tin mẹ mất. "Tôi đọc năm lần mới hết lá thư vì mắt cứ nhòe đi", bà kể. Động lực để người vợ học được nghề là nhờ chồng, ông Nguyễn Trọng Uyên gà trống chăm con, nuôi mẹ già và em gái ốm đau.
Ông Uyên kể: "Hồi đó ở quê chưa mấy ai đi nước ngoài nên thấy cảnh tôi ai nhìn vào cũng ái ngại. Nhưng lúc nào vợ chồng tôi cũng tin tưởng ở tương lai. Lúc nào tôi cũng động viên bà ấy cố gắng". Từng nhiều năm trồng và buôn hoa tươi, vợ chồng bà Việt có kinh nghiệm tiếp cận nguồn hàng, hiểu nhu cầu của khách.
Năm 2006, bà Lê Thị Việt về nước với hơn 20 triệu đồng để khởi nghiệp. "Nguyên liệu ướp hoa thì phải nhập khẩu bên đó chứ ở nước mình thì nguồn hoa quá đẹp và dồi dào", bà nhận định. Mất hai năm để tìm hiểu nguồn nguyên liệu và thị trường, bà bắt tay vào "ướp hoa bất tử".
Trên chiếc bàn gỗ lim cũ kỹ trong căn phòng hơn chục mét vuông, bà Việt ướp năm bông hoa hồng đỏ đầu tiên. Bà chạy xe lên thành phố Thanh Hóa nhờ một cửa hàng bán giúp với giá 160 nghìn đồng một bông, trong đó trả họ 70 nghìn đồng. Một tháng sau bà mới dám quay lại cửa hàng, không ngờ hàng đã bán được trước đó vài chục ngày.
"Giá một bông hoa không rẻ nhưng mình đã có khách hàng, vậy thì phải mở rộng thị trường", bà tính toán rồi mang hàng ra Hà Nội, vào Nghệ An, đi Hạ Long,... chào bán. Ban đầu một tháng bà làm vài chục bông, rồi lên hàng trăm. Bây giờ mỗi tháng, người phụ nữ xuất ra thị trường khoảng 5.000 bông hoa. Trung bình mỗi năm, doanh thu từ nghề ướp hoa của vợ chồng bà Việt trên một tỷ đồng.
Ông Lê Danh Diễn, Chủ tịch xã Trung Thành, huyện Nông Cống, nhận xét: "Cô Việt rất tài khi làm được mặt hàng độc lạ. Cả tỉnh, cả huyện không ai làm được như cô ấy. Không chỉ mang lại kinh tế cho gia đình, cô tạo việc làm cho khoảng 10 lao động địa phương và đóng góp tích cực vào sự phát triển của xã nhà".
Sản phẩm "Hoa tươi bất tử" của bà Việt là một trong bốn sản phẩm sáng tạo xuất sắc được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thanh Hóa tặng bằng khen, năm 2019.
"Tôi nhận ra nếu chỉ quẩn quanh ở lũy tre làng, tôi sẽ chẳng biết giới hạn của mình đến đâu. Nhiều người nói 50 tuổi là đã đi hết nửa đời người, nhưng lúc này tôi mới khởi nghiệp. Quả thực là chỉ cần tâm huyết và quyết tâm, chẳng bao giờ là quá muộn", bà chủ của xưởng "ướp hoa bất tử", nói.
Phạm Nga