Với mong muốn đào tạo và phát triển những tài năng viết trẻ ở lĩnh vực điện ảnh, truyền hình và báo chí tại VN trong khoảng thời gian ngắn nhất, Dự án điện ảnh do quỹ Ford kết hợp với Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn triển khai từ đầu năm 2006 đã bước sang năm thứ sáu. Đây là khóa học toàn thời gian phi lợi nhuận dành cho các sinh viên đã tốt nghiệp đại học và cao đẳng trên toàn quốc có niềm đam mê điện ảnh, truyền hình và báo chí.
Một buổi thực hành với máy quay phim của các học viên "Dự án điện ảnh". |
Từ nay tới 15/10, Dự án điện ảnh tuyển sinh Khóa 6 với hơn 30 chỉ tiêu chuyên ngành biên kịch và lý luận phê bình. Thông tin tuyển sinh được đăng tải tại địa chỉ tinvanonline.org hoặc gửi email về duandienanh2005@fpt.vn. Trong 6 tháng đầu, các học viên tham dự được đào tạo những kiến thức cơ bản và tổng quát nhất về điện ảnh thông qua bốn môn học Nghệ thuật điện ảnh (phong cách phim), Lịch sử điện ảnh VN, Lịch sử điện ảnh thế giới và thực hành Tin vắn theo tiêu chuẩn đào tạo điện ảnh của Hollywood. Bên cạnh đó, hai ngày một tuần, học viên chia làm hai lớp tham gia hai môn học chuyên ngành là Biên kịch và Lý luận phê bình. Tài liệu học và nghiên cứu được phát miễn phí cho các học viên.
Cuối khóa học, các học viên được cùng nhau thực hiện một bộ phim ngắn trong vòng 10 ngày dưới sự hướng dẫn của một đạo diễn VN nổi tiếng. Bốn tháng cuối dành cho việc viết khóa luận tốt nghiệp. Chứng chỉ được trao sau khi kết thúc khóa học và các học viên hoàn toàn có thể bắt đầu hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh, truyền thông và báo chí. Ngoài ra, Dự án điện ảnh còn trao học bổng chuyên cần 300 USD một năm cho mỗi học viên tham gia đầy đủ các tiết học. Học bổng làm phim ngắn, dịch, nghiên cứu cũng được trao cho những học viên xuất sắc với mức cao nhất là 2000 USD một phim.
Các đạo diễn Đặng Nhật Minh (phim Đừng đốt), Phan Đăng Di (phim Bi, đừng sợ), Phạm Nhuệ Giang (phim Thung lũng hoang vắng), nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn (phim Ngõ đàn bà), tiến sĩ Phạm Xuân Thạch và tiến sĩ người Mỹ Dean Wilson là những giáo viên của khóa học Dự án điện ảnh. Địa điểm học tại Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn được trang bị một phòng chiếu phim cách âm, thư viện với hàng trăm đầu sách và DVD phim, máy tính nối mạng để học viên có thể nghiên cứu ngoài giờ.
Đạo diễn kiêm nhà biên kịch Phan Đăng Di là giáo viên môn Biên kịch tại 'Dự án điện ảnh". |
Trong giờ thực hành Tin vắn, các học viên sẽ tự tổ chức một tờ nội san của riêng mình có tên Tin vắn điện ảnh - bao gồm các bài viết, cảm nhận phim hàng tuần của mỗi người. Bên cạnh đó, hàng tuần lớp học Dự án điện ảnh còn có các giảng viên khách mời là những giáo sư, nhà sản xuất, biên kịch nổi tiếng trong và ngoài nước như Vincent Ngô (biên kịch phim Hancock), Charlie Nguyễn (đạo diễn Để Mai tính), Victor Vũ (đạo diễn Giao lộ định mệnh), Bùi Thạc Chuyên (đạo diễn Chơi vơi), giáo sư Alan Baker đến từ đại học USC - Nam California (Mỹ), Park Kwangsu (Đại học Nghệ thuật quốc gia Seoul - Hàn Quốc)... Sinh viên Khóa 5 vừa thực hiện bộ phim ngắn tốt nghiệp Bị nhốt dưới sự hướng dẫn của đạo diễn Lê Thanh Sơn (phim Bẫy rồng). Phim đã được lựa chọn vào danh sách tranh giải tại Yxine Film Festival - Liên hoan phim ngắn trực tuyến đầu tiên của VN.
Nguyễn Hoàng Quý Hà và Nguyễn Thái Hà - hai sinh viên Khóa 1 của Dự án điện ảnh -sau khi kết thúc khóa học từ năm 2006 đã nhận được học bổng của quỹ Ford theo học tại Đại học Điện ảnh Nam California (Mỹ). Mỹ Dung và Mạnh Tuân - hai sinh viên Khóa 3 - được theo học một khóa đào tại ngắn hạn về điện ảnh tại Hàn Quốc do LHP Quốc tế Pusan tổ chức. Các học viên khác đã tốt nghiệp đều lựa chọn công việc viết kịch bản phim hoặc tham gia các đoàn làm phim điện ảnh lớn.
Ngoài việc học lý thuyết và xem phim, các học viên còn được trải nghiệm thực tế về quá trình sản xuất, làm hậu kỳ, phát hành, quay phim, đạo diễn... Trong 10 tháng học tập vừa qua, sinh viên Khóa 5 đã được thăm quan trường quay bộ phim truyền hình Trần Thủ Độ tại Cổ Loa, tìm hiểu về cách thức mua bán phim của Hollywood cũng như tận mắt chiêm ngưỡng máy chiếu trong phòng kỹ thuật của các hệ thống rạp hiện đại nhất VN hiện nay. Khóa 5 cũng được tham dự các buổi ra mắt và giao lưu với êkíp làm phim Để Mai tính, Giao lộ định mệnh tại Hà Nội.
Một tiết học Lịch sử điện ảnh VN do nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn giảng dạy. |
Vân Khanh - tốt nghiệp chuyên ngành Biên kịch - cho biết: "Tôi yêu thích phim từ lâu nhưng trước đây, tôi hầu như chỉ xem phim Hollywood. Khi theo học tại đây, tôi được mở mang tầm mắt bằng những bộ phim từ nhiều nền điện ảnh khác nhau trên thế giới như Đức, Italy, Ba Lan, Nga... Tuy chúng không thực sự phổ biến với đại đa số người VN nhưng với tôi, đó là những tác phẩm điện ảnh thực thụ mà sau khi xem, tôi không bao giờ quên được. Giờ đây tôi hoàn toàn tự tin với vốn kiến thức mình có được và đã có thể 'đọc' được điện ảnh dưới góc nhìn của một người trong nghề chứ không đơn thuần là 'xem' như trước kia nữa".
Như Ngọc - một học viên khác của Khóa 5 - lại tỏ ra hào hứng khi nhắc tới quá trình thực hiện bộ phim ngắn tốt nghiệp của cả lớp. "Trong hơn 10 ngày, chúng tôi phải lo mọi thứ từ khâu lên ý tưởng kịch bản, tuyển diễn viên, lo tiền kỳ cho tới tìm bối cảnh, sản xuất, phát hành cho sản phẩm của mình. Tất cả đều được thực hiện theo trình tự và nghiêm túc. Đó là những trải nghiệm đáng nhớ và là hành trang quý giá trước khi bắt đầu những dự án dài hơi sau này đối với bất kỳ bạn trẻ nào có ý định theo đuổi điện ảnh" - Ngọc chia sẻ.
Kỳ thi tuyển sinh Khóa 6 Dự án điện ảnh dự kiến diễn ra vào cuối tháng 10 và khai giảng vào đầu tháng 11.
*Ảnh: Một số hoạt động của Dự án điện ảnh |
* Clip: Đạo diễn Victor Vũ tới giảng dạy Khóa 5 |
* Phim ngắn 'Bị nhốt' của tập thể Khóa 5 |
Nguyên Minh