Tốt nghiệp Đại học Ngoại thương, song Nguyễn Thị Hoa (Quỳnh Lưu, Nghệ An) lại đam mê công việc giảng dạy tiếng Anh. Cô giáo sinh năm 1988 còn được học trò trìu mến gọi là "Ms Hoa TOEIC" hay "Sứ giả truyền cảm hứng - Inspiration messengers".
- Quan điểm của Hoa về việc học tiếng Anh như thế nào?
- Bản thân Hoa cho rằng, những điều gắn với trách nhiệm thường khiến ta chán nản và nhụt chí theo đuổi. Vì thế, Hoa học cách yêu tiếng Anh. "Learn by heart" không phải học thuộc lòng mà là "học bằng trái tim". Hoa cũng hay nói đùa với học sinh nam rằng: "Các em hãy coi tiếng Anh là người yêu thay vì vợ. Cõng người yêu trên vai nhẹ hơn cõng vợ rất nhiều, bởi vợ liên quan tới trách nhiệm và nghĩa vụ". Bởi vậy, khi theo đuổi con đường giảng dạy tiếng Anh, Hoa muốn làm sứ giả truyền cảm hứng, cho học viên thấy tiếng Anh diệu kỳ lắm và nó xứng đáng có được tình yêu của các bạn.
- Cảm hứng học tiếng Anh của Hoa đến từ đâu?
- Nghiệm lại quá trình học tiếng Anh, Hoa hiểu hơn ai hết những khó khăn mà người học đang gặp phải. Thời cấp 2, bản thân Hoa học kém tất cả các môn. Thế nhưng, nhờ cô giáo tiếng Anh động viên và khích lệ mà mình theo đuổi tiếng Anh để khẳng định bản thân. Động lực đấy khiến Hoa nảy sinh tình yêu tiếng Anh vô điều kiện.
Khi nhìn mọi vật, bản thân Hoa hay đặt ra nhiều câu hỏi, thậm chí ngây ngô. Chính sự phóng khoáng của thứ ngôn ngữ mới lại phù hợp với tính cách của Hoa. Mỗi lần học từ mới, Hoa thường đặt cảm xúc vào mỗi ngôn từ để cảm nhận và tìm điều khác biệt. Chẳng hạn "fireworks" đơn thuần là pháo hoa, song tôi lại nhìn thấy sự kết hợp của "fire - lửa" và "works - kiệt tác", khiến từ "fireworks" trở nên đẹp đẽ với ý nghĩa "kiệt tác của lửa". Từ "firefighter" nếu mọi người chỉ nghĩ là "lính cứu hỏa", thì Hoa lại thấy đó là "vị anh hùng chiến đấu với lửa" - một nghề cao quý, bởi "fighter" có nghĩa là "chiến binh".
- Hoa thường làm gì để khơi dậy hứng thú học từ vựng cho học viên?
- Để học từ vựng hiệu quả, Hoa khuyến khích học viên học theo cụm từ, đặt vào hoàn cảnh cụ thể, song phải kiến tạo cách học của riêng mình. Hoa thường phân tích gốc nghĩa của từ theo con mắt của người bản ngữ, với sự khác biệt và tư duy về văn hóa. Thay vì học thuộc "waiter" là người bồi bàn, thì Hoa lại chú ý đến "wait - chờ đợi". Hiểu theo cách thú vị hơn, "waiter" là một người chờ người khác gọi món.
Người học dịch "businessman" là doanh nhân - một nghề địa vị cao trong xã hội, song người bản xứ chỉ coi đó là một người đàn ông bận rộn thôi, bởi trong "businessman" có chứa "busy - bận rộn". Qua những ví dụ này, học viên nếu nhìn thấu sẽ cảm nhận được một điều thú vị là ở nước ngoài, các nghề nghiệp đều bình đẳng nhau, không phân biệt cao quý hay thấp hèn.
- Vậy với cách học phát âm thì sao?
- Khi dạy phát âm, Hoa không dạy học viên các quy tắc đánh trọng âm thông thường, mà hướng dẫn cách tự tạo ngôn ngữ riêng. Những danh từ 2 âm tiết đơn giản như "teacher" thường có trọng âm rơi vào âm tiết đầu tiên, đọc là /ˈtiː.tʃər/. Song, Hoa lại yêu cầu học viên nhắm mắt lại, đọc to theo cả 2 cách đánh trọng âm vào âm đầu tiên và thứ hai. Sau đó, cảm nhận cách đọc nào hay hơn, sau đó mới tra từ điển để biết được mình đọc đúng hay sai. Đây cũng là một cách học thú vị khiến bạn nhớ lâu hơn.
- Ngoài các phương pháp trên, Hoa còn bí quyết nào để truyền cảm hứng yêu tiếng Anh đến học viên?
- Đan xen những câu chuyện cuộc sống vào bài giảng là cách Hoa thường làm. Hoa còn chỉ học viên cách đối đáp khi một người nước ngoài hỏi "Why Vietnamese people never say thank you?". Thay vì tán đồng khiến hình ảnh quê hương mất điểm trong mắt người ngoại quốc, học viên có thể trả lời rằng người Việt ít dùng lời nói để cảm ơn mà sử dụng hành động hay nụ cười. Đây chính là điểm khác biệt văn hóa giữa phương Đông và phương Tây mà các bạn trẻ nên dành thêm thời gian khám phá.
- Lời khuyên của Hoa dành cho những người đang loay hoay tìm kiếm tình yêu với tiếng Anh là gì?
- Hoa không quan niệm đến lớp phải “học” mà là “khám phá tiếng Anh”. Để yêu tiếng Anh, bạn cần sáng tạo cách học ngôn ngữ theo cách cảm nhận riêng. Đừng quan tâm người khác đánh giá như thế nào, mà hãy là chính mình, đặt cảm xúc vào ngôn ngữ. Mỗi ngày, người học sẽ thấy mình phát hiện ra một điều thú vị, có thêm niềm vui và cảm hứng mới. Khi đó, học ngôn ngữ giống như quá trình khẳng định giá trị bản thân và làm cuộc sống trở nên tuyệt vời hơn.
Nguyễn Thị Hoa chia sẻ kinh nghiệm học tiếng Anh
An San
Độc giả đặt câu hỏi tư vấn tại đây