Giấc ngủ chất lượng là một phần quan trọng của lối sống lành mạnh. Là quốc gia có tuổi thọ trung bình cao nhất thế giới, người Nhật Bản sở hữu các bí quyết và thói quen ngủ khác biệt. Từ việc ngả lưng trên đêm futan đến ăn nhẹ buổi tối, văn hóa ngủ của cư dân xứ sở mặt trời mọc là tư liệu giá trị đối với các chuyên gia nghiên cứu về giấc ngủ.
5 khía cạnh độc đáo của văn hóa ngủ người Nhật là ngủ trên sàn nhà, giữ cho phòng ngủ mát mẻ, ưu tiên thiết kế phòng ngủ đơn giản, thực hiện một số thủ tục hoặc nghi thức trước khi ngủ và sử dụng liệu pháp hương thơm, máy tạo âm thanh.
Phòng ngủ của người Nhật thường tối giản, không có nhiều vật dụng gây xao nhãng, đồ đạc trang trí đơn giản để thúc đẩy sự thư giãn. Người Nhật thực hiện hàng loạt "nghi thức" trước khi đi ngủ như tắm vòi sen, thiền định, tập yoga nhẹ hoặc uống một tách trà thảo mộc. Điều này giúp họ thư giãn và có thể vào giấc nhanh chóng hơn.
Ở đất nước mặt trời mọc, người dân ăn một bữa nhẹ trước khi đi ngủ, chẳng hạn cơm nắm hoặc bát mì nhỏ. Bữa nhẹ thường dễ tiêu hóa, giúp họ "ấm bụng" vào buổi tối và tránh cảm giác đói vào ban đêm.
Người Nhật thường ngủ ở nhiệt độ mát hơn so với các nước khác, từ 15 đến 20 độ C. Họ có xu hướng đi ngủ sớm hơn, thường là trước 10h tối và ưu tiên ngủ đủ 8 tiếng mỗi đêm.
Ngủ trưa cũng là thói quen phổ biến của người Nhật, được các công ty khuyến khích để chống lại cảm giác mệt mỏi. Các doanh nghiệp thậm chí có phòng nghỉ trưa dành riêng cho nhân viên.
Khi ngủ trên sàn, người Nhật sử dụng đệm futon truyền thống. Đây là loại đệm mỏng, có thể gấp gọn được làm bằng cotton hoặc các vật liệu tự nhiên khác. Futon đặt trực tiếp trên sàn, thường là trên một tấm chiếu tatami. Đệm được thiết kế nhẹ, dễ cất gọn trong tủ để tạo thêm không gian cho phòng. Ngủ trên đệm futon giúp làm giảm đau lưng, bởi nó cho phép cột sống nghỉ ngơi ở tư thế tự nhiên hơn. Chiếu tatami được kê bên dưới là loại thảm được làm từ cỏ lau đan. Chiếu mềm mại, êm ái, thoáng khí và giúp điều chỉnh nhiệt độ cơ thể.
Bên cạnh đó, người Nhật còn sử dụng gối kiều mạch. Đây là loại gối hình trụ nhỏ, được nhồi bằng các hạt kiều mạch, phù hợp và có thể điều chỉnh theo hình dạng đầu để hỗ trợ cột sống, căn chỉnh phù hợp với cổ từng người. Gối kiều mạch thoáng khí, giúp điều chỉnh nhiệt độ, thúc đẩy giấc ngủ thoải mái và thư giãn. Gối cũng có thể giúp giảm ngáy và khắc phục tình trạng đau cổ, vai, gáy.
Nhiều người Nhật cũng có thói quen sử dụng mặt nạ che mắt để ngăn chặn ánh sáng, thúc đẩy giấc ngủ sâu hơn. Phương pháp này đặc biệt hữu ích đối với những người gặp khó khăn khi ngủ trong môi trường nhiều ánh sáng.
Tại sao người Nhật quan tâm đến chất lượng giấc ngủ?
Người Nhật Bản nổi tiếng với chất lượng giấc ngủ tốt do nhiều yếu tố, gồm tín ngưỡng văn hóa, lối sống và các sản phẩm họ sử dụng. Văn hóa Nhật Bản coi trọng giấc ngủ ngon, đây thường được coi là phần quan trọng của lối sống lành mạnh.
Yếu tố khác ảnh hưởng đến thói quen ngủ của người Nhật là chế độ ăn uống. Ẩm thực của quốc gia nổi tiếng vì tính thanh đạm, cân bằng và có thể thúc đẩy giấc ngủ ngon. Nhiều loại thực phẩm truyền thống như cá, gạo và rau có chứa tryptophan, một loại axit amin giúp cơ thể sản xuất serotonin - chất dẫn truyền thần kinh thúc đẩy sự thư giãn và giấc ngủ ngon.
Người Nhật cũng coi trọng việc tự chăm sóc bản thân và giảm căng thẳng một cách chủ động, điều này có thể giúp cải thiện giấc ngủ. Các phương pháp như yoga, thiền định, liệu pháp hương thơm thường được họ sử dụng để thư giãn, từ đó giúp ngủ ngon hơn.
Ưu và nhược điểm của phương pháp ngủ kiểu người Nhật
Thực hành ngủ kiểu Nhật Bản giúp thúc đẩy sự thư giãn và bình tĩnh, có thể giúp giảm căng thẳng, lo lắng. Điều này dẫn đến chất lượng giấc ngủ tốt hơn. Tuy nhiên, các sản phẩm của người Nhật Bản, chẳng hạn futon có thể không phù hợp với một số tình trạng sức khỏe nhất định, chẳng hạn người viêm khớp.
Phương pháp vệ sinh giấc ngủ của người Nhật thường chỉ giới hạn ở một vài sản phẩm và phương pháp cụ thể, không khả thi với tất cả mọi người. Bên cạnh đó, mức nhiệt độ 15 đến 20 độ C trong phòng của người Nhật Bản có thể không phù hợp với tất cả mọi người.
Thục Linh (Theo Abedder World)