Năm nay, nhiều ngành học có điểm chuẩn tăng mạnh từ 3 đến 11 điểm khiến học sinh cuối cấp THPT cảm thấy lo lắng. Nhận định về điều này, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn - giảng viên Toán tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cho biết, kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT phản ánh quá trình học tập trong suốt ba năm cấp ba, có thể coi là một căn cứ để các trường xét tuyển thí sinh. Tuy nhiên, kỳ thi được tổ chức với mục tiêu chính là để xét tốt nghiệp nên khó đáp ứng việc tuyển sinh của các trường đại học.
Mặc dù nhiều trường đã xác định thêm phương án tuyển sinh bằng kỳ thi riêng nhưng do Covid-19 bùng phát đúng thời điểm diễn ra nên buộc phải hủy bỏ. Theo đó, việc tuyển sinh vào các trường gần như chỉ có thể căn cứ vào điểm thi tốt nghiệp THPT, dẫn đến tình trạng điểm chuẩn tăng kỷ lục.
"Xét tuyển bằng học bạ có nhiều ưu thế"
Hầu hết các trường đại học, cao đẳng hiện nay đều có hình thức xét tuyển dựa trên kết quả học bạ. Hình thức này được đánh giá là có thủ tục, hồ sơ xét tuyển khá đơn giản, thời gian xét tuyển linh động theo các đợt do từng trường quy định. Đây cũng là lựa chọn lý tưởng để mở rộng cơ hội vào đại học cho thí sinh.
Theo Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, xét tuyển học bạ là phương thức tuyển sinh đại học dựa trên kết quả ba năm học THPT hoặc điểm trung bình lớp 12 theo tổ hợp môn xét tuyển. "Phương thức này sẽ giảm bớt áp lực ôn tập, thi cử cho thí sinh, giúp các em dễ dàng nắm bắt cơ hội vào đại học bằng những tổ hợp môn thế mạnh của mình", ông nói thêm.
Thực tế, điểm học bạ là trung bình cộng của nhiều bài kiểm tra, các kỳ thi học kỳ... nên có thể phản ánh chính xác quá trình học tập và năng lực của từng thí sinh. Trong khi đó, điểm thi tốt nghiệp THPT là kết quả của một kỳ sát hạch, bảo đảm tính khách quan và độc lập nhưng do thời gian thi chỉ diễn ra 1-2 ngày, thí sinh có thể gặp áp lực, tâm lý phòng thi.
Thí sinh có học lực trung bình khá, ít có điều kiện thử sức trong các kỳ thi học sinh giỏi, khoa học kĩ thuật... nên thường dễ gặp căng thẳng khi tham gia kỳ thi có quy mô lớn. Do đó, ông khẳng định: "Việc xét tuyển dựa trên kết quả học bạ sẽ tạo điều kiện cho thí sinh có năng lực học tập trung bình khá, khá và giỏi có thể vào đại học bằng quá trình nỗ lực của mình".
Ngoài ra, ở một số trường như Đại học Kinh tế - Tài chính TP Hồ Chí Minh, Đại học Tài chính - Marketing, Đại học Đại Nam,... điểm học bạ còn giúp thí sinh có cơ hội nhận được nhiều suất học bổng đầu vào giá trị, điều này sẽ giảm phần nào gánh nặng kinh tế khi nhập học.
Lưu ý khi xét tuyển học bạ
Vì xét tuyển học bạ là phương thức tuyển sinh đại học dựa trên kết quả học tập của cả bậc THPT nên học sinh cần xây dựng kế hoạch học tập ngay từ những năm đầu cấp và duy trì đều đặn việc học trong suốt ba năm. Ngoài việc ưu tiên các môn học trong khối thi chính dùng để xét tuyển đại học, các em nên bảo đảm các yêu cầu tối thiểu ở các môn học còn lại.
Bên cạnh đó, học sinh cần xác định thái độ học tập nghiêm túc, chăm chú nghe giảng, ghi chép đầy đủ những kiến thức thầy cô truyền tải và tăng cường làm bài tập bổ trợ. Đồng thời, các em cũng nên nỗ lực nhiều hơn ở các bài kiểm tra thường xuyên và định kỳ trên lớp.
Theo Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, học sinh có thể tìm kiếm, chọn lọc các tài liệu học tập, đề thi tham khảo từ các nguồn chất lượng trên mạng, tham gia các khóa luyện thi trực tuyến trên một số nền tảng uy tín như Hocmai.vn của HOCMAI. Đơn vị này có gần 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục trực tuyến, để bổ sung kiến thức và rèn luyện khả năng vận dụng thực tiễn.
Theo đó, các em nên tham khảo các khóa học có tính năng ghi lại bài giảng, hệ thông hỗ trợ 24/7, xây dựng bởi các chuyên gia, giáo viên có nhiều kinh nghiệm và chuyên môn tốt. Với những khóa học này, các em có thể củng cố lại kiến thức đã học, nâng cao năng lực qua hệ thống đề kiểm tra, bài tập tự luyện.
Tiến sĩ Lê Anh Tuấn cũng lưu ý học sinh cần có chiến lược khi xét tuyển học bạ. Sau khi xác định các ngành mong muốn theo học, các em nên chọn tổ hợp môn xét tuyển là thế mạnh của mình.
"Không ít học sinh chọn đăng ký theo cảm tính, phong trào mà không thật sự hiểu năng lực bản thân. Khi xét tuyển bằng học bạ, các em nên cân nhắc kỹ về điểm của tổ hợp môn xét tuyển, sao cho phù hợp với trường và ngành học mình đăng ký", tiến sĩ Tuấn chia sẻ.
Ngoài ra, để có sự chuẩn bị tốt nhất cho kỳ tuyển sinh đại học, học sinh nên cập nhật thường xuyên các tin tức tuyển sinh của các trường về các phương thức xét tuyển, chỉ tiêu, chính sách hỗ trợ...
(Nguồn và ảnh: HOCMAI)