1. Tăng sự kết hợp giữa não trái và phải
Nghiên cứu khoa học đã chỉ ra nhạc sĩ, nhạc công thường có lượng chất trắng trong bó dây thầnh kinh giữa hai bán cầu não nhiều hơn người bình thường. Điều này đồng nghĩa các nhạc sĩ có tốc độ tư duy tốt hơn nhiều người bình thường, dẫn đến khả năng xử lý vấn đề tốt hơn.
Tuy nhiên, không phải nhạc công nào cũng có thể tối ưu được lợi thế liên kết giữa bán cầu não. Nghiên cứu chỉ ra những người được học nhạc từ nhỏ sẽ có liên kết tốt giữa hai bán cầu não, so với những người học nhạc khi trưởng thành.
2. Khả năng tư duy tốt hơn
Với nhiều chất trắng trong não bộ hơn, những người đã học nhạc thường có khả năng đưa ra quyết định chính xác, xử lý và ghi nhớ thông tin hiệu quả hơn. Những người có các kỹ năng này thường thành công trong học tập hơn những người có IQ cao. Thậm chí, việc tập âm nhạc còn có thể giúp trẻ em có vấn đề về thần kinh, như chứng tăng động, tập trung hơn.
3. Tăng cường khả năng xử lý ngôn ngữ
Một nghiên cứu từ trường Đại học MIT, Mỹ chỉ ra học sinh mẫu giáo đã học chơi piano có thể xử lý ngôn ngữ tốt hơn, đặc biệt là khi phải phân biệt các từ có phát âm gần nhau.
Lợi thế về xử lý ngôn ngữ từ việc học âm nhạc cũng được chỉ ra trong một nghiên cứu của Đại học Northwestern Mỹ. Theo đó, âm nhạc và ngôn ngữ giao tiếp có tính chất giống nhau, trường độ, cao độ, âm sắc... và sử dụng cùng các phần của não bộ. Thêm vào đó, với khả năng ngôn ngữ tốt hơn, kinh nghiệm học âm nhạc sẽ đồng thời giúp các em học tất cả môn học tốt hơn.
Một trường hợp cụ thể của kết luận này là dự án Harmony Project dạy âm nhạc miễn phí cho cộng đồng ở Mỹ. Hơn 90% học sinh tham gia dự án từ năm 2008 đã học đại học, trong khi ở những khu vực đó, tỷ lệ bỏ học của trẻ em trên 50%.
4. Trí nhớ ngôn ngữ tốt hơn
Theo một nghiên cứu của tạp chí Frontiers in Neuroscience, học sinh luyện tập âm nhạc đều đặn có thể ghi nhớ nhiều từ vựng hơn trong thời gian ngắn so với những em không học âm nhạc. Kiến thức trong thời gian ngắn này có thể giúp bạn lý luận, phân tích hay xử lý vấn đề phức tạp tốt hơn.
5. Tăng sự đồng cảm
Việc học âm nhạc đồng thời giúp trẻ em có thể hiểu được cảm xúc trong lời nói hay âm thanh tốt hơn. Các nhạc sĩ có thể nhận ra cảm xúc qua lời nói một cách tinh tế hơn, giúp họ phát triển mối quan hệ, tình bạn tốt đẹp và giàu sự đồng cảm hơn so với người bình thường.
Với khả năng gia tăng sự đồng cảm, thấu hiểu, lắng nghe, việc học âm nhạc cũng có thể giúp trẻ em với các chứng bệnh về tâm lý, cảm xúc, có được kỹ năng xã hội tốt hơn.
6. Làm chậm quá trình lão hóa của não bộ
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Canada được đăng tải trên tạp chí Journal of Neuroscience danh tiếng, người lớn tuổi từng học âm nhạc có thể nghe hiểu nhanh hơn 20% so với những người chưa từng học.
Kết quả này tương đồng với một nghiên cứu trên tạp chí Neuropsychology, người già từ 60 đến 83 tuổi với hơn 10 năm tập nhạc có thể sử dụng các giác quan hiệu quả hơn những người cùng độ tuổi với ít hơn 9 năm tập nhạc. Tuy nhiên, cả hai nhóm này đều có các quan nhạy bén hơn những người chưa từng học nhạc.
7. Tăng cường khả năng khoa học
Kiến thức âm nhạc như nốt nhạc, cao độ, trường độ, quãng, nhịp điệu, đều có nhiều điểm tương đồng với kiến thức toán và khoa học.
Một nghiên cứu trên tạp chí Journal of Educational Psychology còn chỉ ra trong số 110.000 học sinh ở tỉnh British Colombia, Canada, những em từng học ít nhất một một khóa học về nhạc cụ đều có kết quả thi tốt hơn học sinh chưa từng học một nhạc cụ nào, ở cả toán, khoa học, và văn học Anh. Sự khác biệt giữa hai nhóm này rất đáng kể, với những học sinh đã học nhạc cụ có kiến thức hơn hẳn một năm học so với bạn bè cùng lứa.
8. Tăng sức khỏe tâm lý
Nhiều nghiên cứu chỉ ra các nhạc công có sự tập trung tốt hơn và ít khả năng gặp vấn đề tiêu cực về tâm lý so với người bình thường. Một trong số nghiên cứu chỉ ra trẻ em học âm nhạc có phần não dày hơn ở những khu vực xử lý cảm xúc, tâm lý và sự tập trung.
Điều này dẫn đến việc những người từng học âm nhạc sẽ ít gặp các vấn đề về tâm lý như stress, kiệt sức, đau đầu, huyết áp cao, hay hệ miễn dịch so với người bình thường.
Phan Nghĩa (Theo TreeHugger)