Nguyễn Thị Minh Hòa, người Hải Phòng, hiện học thạc sĩ tại Đại học Công nghệ Delft ở Hà Lan. Dưới đây là kinh nghiệm đi học với 0 đồng của cô:
1. Săn học bổng khuyến khích học tập
Sau khi hết phổ thông, tôi học chuyên ngành Kinh tế đối ngoại tại Đại học Ngoại thương Hà Nội. Trường có chính sách trao học bổng khuyến khích học tập cho sinh viên sau mỗi kỳ học. Hồi đó, tôi không dám đặt mục tiêu cả 4 năm, chỉ lên kế hoạch cố gắng cho từng học kỳ.
Tôi nhớ mãi lần tài khoản "ting ting" 7,2 triệu học bổng cho kỳ đầu tiên, cô bé 18 tuổi lúc đó hạnh phúc vô cùng vì kiếm được khoản tiền lớn bằng năng lực của bản thân. Thế rồi, từng kỳ tích lũy, tôi may mắn luôn có tên trong danh sách học bổng của trường và tốt nghiệp thủ khoa với điểm trung bình (GPA) 4/4.
Ngoài học bổng của trường, trong 4 năm, tôi cũng tranh thủ chinh phục thêm một số học bổng của các tổ chức bên ngoài như Học bổng Tỏa sáng tài năng VPBank, Học bổng Lotte và phần thưởng từ cuộc thi sinh viên.
Tổng cộng, tôi nhận được khoảng 150 triệu đồng tiền thưởng, đủ để chi trả toàn bộ học phí và một phần sinh hoạt phí. Ngoài ra, tôi đi làm thêm để đỡ chi phí cho bố mẹ và học ngoại ngữ như tiếng Nhật, tiếng Trung.
2. Tìm học bổng thạc sĩ phù hợp
Sau khi tốt nghiệp và đi làm gần hai năm, tôi tiếp tục nung nấu ước mơ du học thạc sĩ với 0 đồng. Với thành tích học tập tốt ở đại học, tôi lên kế hoạch ứng tuyển các học bổng merit-based (dựa trên thành tích học tập) ở châu Âu. Tôi được Đại học Công nghệ Delft (TU Delft), Hà Lan, và trường Kinh doanh BI của Na Uy (BI Norwegian Business School) trao hai suất học bổng toàn phần, gồm học phí, sinh hoạt phí, tổng trị giá khoảng ba tỷ đồng cho hai năm.
Tôi chọn TU Delft. Ở đây, tôi ứng tuyển trái ngành, chuyển từ Kinh tế sang Kỹ thuật, nộp hồ sơ chương trình Logistics thuộc khoa Civil Engineering. Dù khó khăn nhưng tôi thấy rất thú vị khi được khám phá nhiều kiến thức mới.
Vì giao thông ở châu Âu khá dễ dàng nên sau hơn một năm học, tôi đã đến 10 quốc gia, chi phí lấy từ tiền học bổng và việc làm thêm như dạy tiếng Anh online, thực tập có lương.
3. Ứng tuyển các khóa trao đổi ngắn hạn
Ở đại học và thạc sĩ, tôi đều đặt mục tiêu tham gia các khóa trao đổi ở nước ngoài để mở mang tầm mắt. Năm thứ ba đại học, tôi giành học bổng trao đổi của Đại học Hannam, Hàn Quốc. Bên cạnh học phí được miễn, tôi còn được trường tài trợ phần lớn phí ở ký túc xá và 4-5 chuyến đi chơi miễn phí, được mặc hanbok, ăn kimchi, thăm SM Tower.
Khi học thạc sĩ ở Hà Lan, tôi giành học bổng trao đổi của trường Mines Paris - PSL, Pháp, được miễn học phí và được hỗ trợ phí đi lại. Tôi sang đây trải nghiệm một tuần làm cô sinh viên ở Paris, ăn bánh croissant, uống chocolate nóng.
Hiện có nhiều cộng đồng cung cấp thông tin về học bổng. Nếu ở Việt Nam, bạn có thể tham khảo Scholarship EZ, Scholarships for Vietnamese students, Opportunity Hunting. Còn ở nước ngoài, bạn tìm hiểu trang Scholarships Corner.
Một số chương trình trao đổi ngắn hạn uy tín như Erasmus+, YSEALI, Global UGRAD... Học bổng trao đổi ngắn hạn thường khá dễ tiếp cận vì nhiều trường đại học có thỏa thuận với trường đối tác, sinh viên diện này được miễn học phí và nhiều tài trợ kèm theo. Các bạn nên chú ý thông tin trên website trường mình đang theo học, cố gắng giữ kết quả học tập tốt và trau dồi khả năng ngoại ngữ.
Bạn cũng nên lưu ý về thời gian trao đổi để không ảnh hưởng quá nhiều đến kế hoạch học tập chính thức. Thông thường, các khóa 6 tháng - 1 năm là hợp lý.
Nếu có ai hỏi tôi rằng có cần tài chính dư dả đi du học, khám phá được nhiều vùng trời mới không, tôi có thể tự tin trả lời là không. Năm tới tốt nghiệp, tôi dự định theo đuổi công việc về Logistics tại Hà Lan một thời gian để tích lũy kinh nghiệm, học hỏi trước khi về Việt Nam làm việc.
Nguyễn Thị Minh Hòa
Độc giả đặt câu hỏi tư vấn tại đây