Tại họp báo thường kỳ Chính phủ chiều 30/10, ông Lê Công Thành, Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường cho biết đợt thiên tai vừa rồi ở miền Trung khốc liệt hơn kỷ lục lịch sử năm 1999, với 4 đợt bão liên tiếp từ số 6 đến 9. Bão số 9 Molave mạnh nhất 20 năm qua, kèm theo mưa lớn. Với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ và các địa phương, thiệt hại chỉ bằng một phần nhỏ so với năm 1999. Trong đó có việc các tỉnh đã vận hành quy trình liên hồ chứa nên cắt được lũ, khiến diện ngập và độ ngập thấp hơn đáng kể.
"Các chuyên gia về địa chất đánh giá nguyên nhân chính gây ra sạt lở núi, đồi, đất ở miền Trung thời gian qua là bởi địa hình đồi núi cao, phân cắt mạnh. Địa chất có nhiều loại đất đá cổ bị đập vỡ nứt nẻ, tạo ra lớp vỏ phong hóa dày, nhiều lớp đất sét, là điều kiện bất lợi để khi mưa lâu ngày thì nước chứa trong lớp phong hóa này nhão, gây ra lực trượt kéo xuống dưới", ông Thành phân tích.
"Chúng ta nói nhiều mất rừng có phải nguyên nhân gây lũ lụt, sạt lở đất hay không? Điều này cần đánh giá từng trường hợp cụ thể", ông Thành nói.
Với sự cố sạt lở đất ở thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên Huế), ông Thành nói đây là công trình đang xây dựng, đang cắt xẻ vào sườn núi thì xảy ra sự cố.
Về đánh giá tác động môi trường của các thủy điện nhỏ, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay khi xây dựng dự án, các chuyên gia luôn tính toán tác động đến rừng, thảm phủ thực vật, đa dạng sinh học, dòng chảy tối thiểu mà thủy điện phải trả lại cho hạ du...
"Luật Lâm nghiệp quy định rất chặt chẽ việc chuyển đổi đất rừng cho tất cả loại dự án, không riêng về thủy điện. Thời gian qua, hơn 470 quy hoạch thủy điện nhỏ đã bị loại bỏ; hơn 210 điểm tiềm năng có thể xây dựng thủy điện cũng được xem xét chặt chẽ, kỹ lưỡng để đảm bảo phát triển bền vững, nhất là miền núi, tránh được thiên tai như thời gian vừa qua", ông Thành khẳng định.
Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho hay đợt thiên tai xảy ra tại miền Trung vừa qua "rất bất thường". Chưa bao giờ trong 20 ngày, miền Trung chịu tới 4 cơn bão, lũ chồng lũ, bão chồng bão.
"Chúng ta có biết chuyện này và đã cảnh báo rất sớm. Ngay đầu năm 2020, tại hội nghị toàn quốc về phòng chống thiên tai, chúng tôi cùng với Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cảnh báo năm nay sẽ có khoảng 5-6 cơn bão ở miền Trung, trong đó có cơn bão rất lớn. Chúng tôi cũng đã cảnh báo trước 15 ngày về trận lụt lịch sử tại Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế", ông Hiệp nói.
Giải thích tại sao cảnh báo sớm, nhưng vẫn có người không kịp chạy lũ, vẫn ở trên nóc nhà, ông Hiệp nói "có rất nhiều nguyên nhân". Nhờ cảnh báo sớm, người dân cơ bản đã biết tin. Hơn 56,1 triệu lượt tin nhắn gửi đến người dân miền Trung, chưa nói tới hệ thống chính trị đã vào cuộc rất sớm. Tuy nhiên, có những nơi bị ngập lụt nặng, đến mức dân ở nhà hai tầng vẫn không có chỗ tránh.
"Để khách quan, chúng tôi sẽ cho kiểm tra có hay không việc nghẽn thông tin? Nếu có là ở khâu nào?", Thứ trưởng cho hay.
Về ứng phó, ông Hiệp nhấn mạnh các lực lượng đã rất chủ động; công an và quân đội đã có nhiều người hy sinh, bị thương, nhiều ngày không ngủ. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng, để ứng phó với thiên tai mang tính cực đoan như vừa qua, Việt Nam cần lực lượng mang tính chuyên nghiệp cao, trang thiết bị đồng bộ hơn. Đặc biệt, lực lượng này phải có trang thiết bị phù hợp với mọi địa hình và thời tiết. Như vậy mới bảo đảm cứu hộ nhanh, đồng thời bảo đảm an toàn cho lực lượng cứu hộ.
Bên cạnh đó, sức chịu đựng của cơ sở hạ tầng có hạn. Đê biển trong thiết kế chỉ chịu đựng được sóng gió cấp 10, đến 11 (tới cấp 12, giật cấp 15 thì cần kinh phí tăng gấp đôi), chỗ neo đậu tàu thuyền chỉ bảo đảm 46%; một số ngư dân chấp hành chưa tốt cảnh báo... 12h ngày 26/10, khi bão đổ bộ vào Biển Đông, cơ quan chức năng vẫn liên lạc được với hai tàu đề nghị chạy ngược lại hướng đi của bão để thoát ra, nhưng sau đó họ tắt máy, đến nay vẫn không liên lạc được.
"Hiện nay chúng ta thiệt hại về người chủ yếu do sạt lở đất. Việc sạt lở đất diễn ra rất phức tạp và không theo quy luật. Những chỗ sạt lở đất lớn vừa rồi, kể cả ở Trạm Kiểm lâm 67, Đoàn kinh tế 337 hay mới nhất ở Nam Trà My, đều là những chỗ ổn định lâu dài, không có trong bản đồ cảnh báo", ông Hiệp nói và nhấn mạnh, cần ứng dụng khoa học công nghệ nhiều hơn trong cảnh báo.
Hiện hơn 10 tỉnh nguy cơ thiên tai cao đã có bản đồ về sạt lở, tuy nhiên tỷ lệ đang là 1/50.000, trong khi để triển khai được trên thực tế thì cần tối thiểu là 1/10.000 hoặc 1/5.000; để xây dựng các điểm cụ thể thì cần 1/500. Với bản đồ 1/50.000, ngay lập tức di chuyển nhiều xã thì không thể làm được.
"Về vấn đề con người có tác động vào thiên tai hay không? Tôi khẳng định là có. Mọi hoạt động của con người đều tác động hoặc xấu, hoặc tốt đến mọi vấn đề, trong đó có thiên tai", ông Hiệp nói và cho biết quan điểm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là phải "thuận thiên", thích nghi có kiểm soát, tức là phải có giải pháp công trình để "thuận thiên".
Ông Lê Quang Hùng, Thứ trưởng Xây dựng cho biết, vừa qua miền Trung có ba hình thái thiên tai là gió bão; lũ lụt; lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.
Gió bão thường từ biển vào với cự ly 30 km trong đất liền. Nếu nhà đảm bảo "ba cứng" là sàn cứng, tường cứng, mái cứng có thể chống chịu được.
Cách đây 7 năm, Chính phủ có quyết định số 48 về hỗ trợ người dân xây nhà vượt lũ ở miền Trung và đã xây được hơn 30.000 nhà có cốt sàn trên mức đỉnh lũ lịch sử. "Những nhà này đã phát huy tác dụng rất tốt, với khoảng 10-15 m2 trên đỉnh lũ lịch sử thì gia đình có thể rút lên đó, cầm cự được 10-15 ngày. Bộ Xây dựng và các đơn vị sẽ nghiên cứu để nhân rộng mô hình này", ông Hùng nói.
Tuy nhiên, với lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, ông Hùng khẳng định không có giải pháp công trình nào có thể chịu được. Vì vậy, giải pháp để phòng chống là phải lựa chọn địa điểm tránh được. Hiện đã có bản đồ về lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, nhưng tỷ lệ cao và cần đưa về tỷ lệ 1/500.
Với công trình đã xây dựng rồi, nhà chức trách sẽ hướng dẫn lựa chọn địa điểm di dời và các chỉ dẫn về địa chất, lượng mưa có thể gây lũ quét, sạt lở... trong bán kính 500 m để người dân có biện pháp phòng tránh.
Từ ngày 6/10 đến nay, miền Trung trải qua ba đợt mưa lũ. Đỉnh lũ, lượng mưa ở Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đã vượt giá trị lịch sử, sạt lở đất xuất hiện ở nhiều nơi, làm 157 người chết, 70 người mất tích.