Gần đây, chị Thanh, ở Tây Hồ, thường xuyên đau đầu, sổ mũi và đôi lúc cảm thấy khó thở, hồi hộp. Từng có chị gái qua đời vì đột quỵ vào mùa rét, người phụ nữ nghĩ bản thân cũng nguy cơ mắc bệnh. Lên mạng tra cứu thông tin, chị càng lo lắng, hoảng sợ vì các dấu hiệu như đau đầu có thể cảnh báo cục máu đông trong não.
Thanh đến một bệnh viện làm các xét nghiệm tầm soát, kết quả bình thường nhưng vẫn không đủ trấn an. Cô tiếp tục đi khám thêm 3 cơ sở y tế khác nhau để đối chiếu, bác sĩ nói chưa có dấu hiệu mắc bệnh đặc biệt, song Thanh vẫn không vơi lo lắng. Tình trạng này khiến người phụ nữ mất ngủ, mệt mỏi, không thể tập trung công việc, mất hàng chục triệu đồng cho việc thăm khám.
Cũng lo lắng mắc bệnh nan y, 6 tháng gần đây, Minh Tâm, ở Cầu Giấy, thường xuyên đến các cơ sở y tế xin chụp chiếu não bộ từ dấu hiệu đau đầu. Tâm còn kiểm tra da để tìm tổn thương vì lo sợ những nốt ruồi có thể là mối nguy cảnh báo ung thư da. Dù các xét nghiệm, chụp phim và khám lâm sàng cho kết quả bình thường, nữ nhân viên văn phòng vẫn cho rằng "bác sĩ bỏ qua các dấu hiệu bệnh". Điều này khiến Tâm chán nản và buồn khổ vì tin mình có bệnh nhưng y học bất lực không thể tìm ra.
Thanh và Tâm là hai trong số nhiều bệnh nhân đến khám và điều trị do hội chứng luôn sợ mắc bệnh tại Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương. Bác sĩ Trần Thị Hồng Thu, Phó giám đốc, cho biết tình trạng này gọi là chứng rối loạn lo âu bệnh tật (illness anxiety disorder) với đặc trưng chủ yếu bởi nỗi sợ hãi quá mức về việc mắc bệnh. Hiện Việt Nam chưa có thống kê chính thức về số người mắc bệnh này.
Người mắc chứng này chỉ dựa vào những cảm giác bình thường của cơ thể hoặc dấu hiệu rất nhỏ như hơi đau đầu hoặc đau bụng, hồi hộp, khó chịu, là đã cho rằng bản thân mang trọng bệnh. Kết quả khám bình thường cũng không thể trấn an họ.
Nhóm này cũng cảnh giác với mọi vấn đề sức khỏe, kiểm tra nhiều lần các dấu hiệu trên cơ thể, không tin tưởng chẩn đoán của bác sĩ. Nhiều người đi khám liên tục để cảm thấy an tâm hoặc ngược lại không đi khám vì sợ phát hiện bản thân mắc bệnh nặng. Một số khác nói quá nhiều hoặc lên mạng tìm hiểu thông tin, dẫn đến triệu chứng lo lắng và hoang tưởng nặng nề hơn.
Bác sĩ Thu cho biết yếu tố góp phần ảnh hưởng chứng rối loạn lo âu bệnh tật có thể là trải nghiệm cá nhân hoặc do niềm tin. Một số người từng mắc bệnh nghiêm trọng khi còn bé, do đó những cảm giác của cơ thể hiện nay lại khiến họ lo sợ. "Hoặc bạn đã từng trải qua một giai đoạn bị bệnh từ triệu chứng rất nhỏ, dẫn đến về sau luôn ám ảnh và mặc định tất cả cảm giác của cơ thể đều là nghiêm trọng, cố tìm kiếm bằng chứng để khẳng định suy nghĩ đó là đúng", bà Thu nói.
Nghiên cứu được công bố vào tháng 12 trên Tạp chí Tâm thần học JAMA cho thấy những người được chẩn đoán mắc bệnh hypochondria có nguy cơ tử vong cao hơn 84% so với người không mắc chứng rối loạn này vì hàng chục bệnh, đặc biệt là các bệnh về tim, máu và phổi, cũng như tự tử. Nhà nghiên cứu David Mataix-Cols nói trên Washington Post rằng đây là nghịch lý: "Họ lo lắng quá nhiều về sức khỏe và cái chết, rồi cuối cùng họ lại có nguy cơ tử vong cao hơn".
Ông Mataix-Cols cho rằng những người mắc bệnh này trải qua rất nhiều đau khổ và vô vọng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất lao động, hoạt động hằng ngày, tài chính cũng như các mối quan hệ cá nhân. Việc lo lắng mãn tính có thể gây các chứng viêm và bệnh tật trong cơ thể, hoặc nguy cơ trầm cảm, lạm dụng rượu, thuốc, và tự sát.
Bác sĩ Thu cho biết trị liệu tâm lý (liệu pháp hành vi nhận thức CBT) là lựa chọn tối ưu trong điều trị, giúp người bệnh tìm nguyên nhân của các triệu chứng và có các biện pháp thích nghi phù hợp. Ngoài ra, CBT còn cải thiện một số bệnh tâm thần đi kèm như trầm cảm, rối loạn ám ảnh cưỡng chế.
Bên cạnh đó là sử dụng thuốc và các biện pháp thay đổi lối sống. Người bệnh nên xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh với những thực phẩm sạch, các loại rau xanh, củ quả, thịt, cá nhiều vitamin, khoáng chất, hạn chế những món ăn chế biến sẵn, đồ ăn đóng hộp, các món ăn nhiều gia vị, nhiều dầu mỡ, đường; tránh lạm dụng rượu bia, các chất kích thích, thuốc lá. Ngủ đủ giấc, tập thói quen ngủ trước 22h mỗi ngày sẽ giúp tinh thần thoải mái, tránh các suy nghĩ tiêu cực, căng thẳng.
Nên thường xuyên rèn luyện thể dục thể thao (khoảng 30 phút mỗi ngày) để có được sức khỏe tốt, cân bằng cảm xúc, tâm lý ổn định. Bác sĩ khuyến cáo người dân nên thăm khám sức khỏe tổng quát 6 tháng/lần để biết được những vấn đề của bản thân.
Thúy Quỳnh