Chuyện xảy ra ở vương quốc Nụ cười, nơi đó mọi người sống với nhau chan hòa, đầm ấm. Vào ngày sinh nhật của công chúa Hoa Hồng, năm bà tiên ngũ cốc đã tới tặng cô những hạt đậu thần, có thể biến điều ước thành sự thật. Một bà tiên lúng túng không tìm ra hạt đậu của mình, nên công chúa có thể để dành một điều ước.

Hoàng tử Gấu và hạt đậu thần được dàn dựng theo phong cách cổ tích châu Âu.
Hoàng tử Hướng Dương rất thích những món quà mà chị mình được tặng, cậu đòi mượn chơi nhưng bị chị từ chối. Vì ích kỷ, và muốn độc chiếm tình cảm của cha mẹ, Hoa Hồng đã nghe lời xúi giục của phù thủy Chồn Hôi, lấy hạt đậu thần ra ước cho Hoàng tử Hướng Dương biến thành gấu.
Chú gấu - hoàng tử bị xua đuổi, buồn bã trốn vào rừng sâu. Còn công chúa Hoa Hồng hối hận, viết thư xin các bà tiên cứu em trai mình. Do sự ngăn cản của phù thủy Chồn Hôi, những lời cầu xin của Hoa Hồng không tới được tay các bà tiên. Mười năm trôi qua, công chúa Hoa Hồng quyết định lên đường giải cứu đứa em bé bỏng của mình.
Cùng cô bạn Ngỗng và sự trợ giúp của các bà tiên, trải bao gian khó, cuối cùng Hoa Hồng cũng hóa giải được lời nguyền, cứu em trai Hướng Dương. Vở kịch gửi đi thông điệp về tình cảm anh chị em trong gia đình, về sự nguy hiểm của thói vị kỷ...
Ở Hoàng tử Gấu và hạt đậu thần, các em thiếu nhi không chỉ được theo dõi một cốt truyện cảm động, mà còn được xem những tiết mục hấp dẫn. Đó là pha nhào lộn, nhảy múa vui nhộn trong sinh nhật của công chúa Hoa Hồng. Đoạn công chúa và Ngỗng thả đèn trời được thể hiện công phu bằng những chiếc đèn hoa đăng. Đặc biệt, màn hình LED rộng mà Nhà hát Tuổi Trẻ mới được trang bị tạo nên nhiều bối cảnh ấn tượng cho vở diễn. Nhất là những cảnh trong rừng sâu, khiến khán giả có cảm giác đang được chứng kiến quang cảnh một khu rừng thật.
Vở kịch cổ tích Hoàng tử Gấu và hạt đậu thần vốn là chương trình được sân khấu kịch Idecaf dàn dựng trong chuỗi chương trình "Ngày xửa ngày xưa". Nhà hát Tuổi Trẻ những năm trước đều dàn dựng nhiều chương trình dành cho thiếu nhi, nhưng phần lớn là chương trình tạp kỹ, rất ít vở kịch được đầu tư kỹ lưỡng. NSƯT Chí Trung - Phó giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ - cho biết, Nhà hát muốn làm sân khấu cho thiếu nhi một cách chuyên nghiệp, và để làm cho tốt được thì phải học hỏi sân khấu chuyên nghiệp hơn mình là Idecaf. Toàn bộ kịch bản, nội dung, thiết kế sân khấu cùng trang phục được chuyển từ trong Nam ra. Hoàng tử Gấu và hạt đậu thần phiên bản phía Bắc có khác chăng là một vài đoạn thoại được sửa cho phù hợp với khán giả của vùng.
Vở kịch Hoàng tử Gấu và hạt đậu thần sẽ được diễn tại Nhà hát Tuổi Trẻ từ nay cho tới tháng 10. Trong dịp 1/6, vở kịch được diễn ở một số sân khấu khác như Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội, Nhà hát Âu Cơ.
Lam Thu