"Lượng ngà voi buôn lậu Việt Nam tịch thu được trên biển và tại các sân bay trong những tuần gần đây cho thấy cam kết đáng hoan nghênh của Việt Nam, nhưng cũng nhắc nhở mọi người về quy mô của nạn buôn bán đang tiếp diễn", Hoàng tử Anh sáng nay phát biểu khai mạc tại Hội nghị Hà Nội về phòng, chống buôn bán trái phép các loài động vật, thực vật hoang dã.
Ngày 12/11, lần đầu tiên Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với các bộ, ngành tiêu hủy hai tấn ngà voi, 70 kg sừng tê giác và một số xương gấu, hổ bị buôn bán trái phép. "Việc tiêu huỷ ngà voi, sừng tê giác buôn bán trái phép đầu tiên của Việt Nam hồi cuối tuần là ví dụ mạnh mẽ trước thềm hội nghị này và chúng tôi mong chờ được nghe thêm về những hành động tiếp theo của các bạn", Hoàng tử nói.
Theo Hoàng tử Anh, trên thế giới, các nước đang đi đúng hướng nhưng chưa đủ nhanh để xử lý khủng hoảng. Tê giác, voi, tê tê vẫn đang bị giết với số lượng "khủng khiếp". Chỉ trong vòng 7 năm, lượng voi châu Phi giảm 30%, điều William coi là "nỗi lo sợ lớn nhất". Nhu cầu của những người mới mong muốn sử dụng sản phẩm từ ngà voi, sừng tê giác gia tăng, trong khi tội phạm có tổ chức trở nên tinh vi hơn. Những kẻ săn bắt trộm biết cách lặng lẽ và rất khó truy tìm dấu vết. Chúng cũng trở nên tàn bạo hơn, khiến nhiều kiểm lâm bị giết hơn so với cách đây hai năm.
Thực tế khiến Hoàng tử đặt ra những câu hỏi: "Tại sao chúng ta vẫn buôn bán ngà voi? Chúng ta cần các chính phủ gửi thông điệp rõ ràng rằng buôn bán ngà voi là đáng ghê tởm", "Chúng ta có đang làm đủ để phối hợp với doanh nghiệp và xã hội dân sự để tạo ra những thay đổi chúng ta muốn hay chưa?", "Liệu chúng ta đã làm đủ để đối phó với những băng nhóm tội phạm có tổ chức đứng đằng sau nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp và đưa chúng ra trước công lý hay chưa?".
Tại phiên khai mạc, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho biết Việt Nam có độ đa dạng sinh học cao trên thế giới, nhưng lại là một trong 5 nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, làm hệ sinh thái suy giảm nghiêm trọng, trong khi nạn buôn bán trái phép các loại động, thực vật hoang dã chưa được ngăn chặn.
Giống các nước đang phát triển, Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức, như đảm bảo hài hoà giữa bảo tồn tài nguyên và tăng trưởng kinh tế, thay đổi nhận thức và sinh kế của các cộng đồng dân cư sống dựa vào tài nguyên đa dạng sinh học, thay đổi thói quen tiêu dùng các sản phẩm động vật hoang dã, điều tra, truy tố và xét xử tội phạm buôn bán động vật hoang dã.
Hoạt động buôn bán bất hợp pháp ở quy mô toàn cầu cũng đang có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, với sự tham gia của các mạng lưới tội phạm có tổ chức quốc tế. Vì vậy, Phó Chủ tịch nước cho rằng để bảo vệ hiệu quả, cộng đồng quốc tế cần hoàn thiện thể chế, pháp luật và thực thi hiệu quả pháp luật, xoá bỏ thị trường tiêu thụ bất hợp pháp, phát triển sinh kế bền vững cho cộng đồng dân cư sống trong khu bảo tồn thiên nhiên.
Hội nghị Hà Nội về phòng, chống buôn bán trái phép động vật, thực vật hoang dã do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức, với sự hỗ trợ của chính phủ Anh. Sự kiện kéo dài hai ngày quy tụ 46 nước, Liên minh châu Âu, hơn 40 tổ chức liên chính phủ, phi chính phủ, khoảng 250 đại biểu. Đây là lần thứ ba sự kiện được tổ chức, sau hội nghị đầu tiên ở Anh và sự kiện thứ hai ở Botswana.
Trọng Giáp