Sáng 21/6, tại Bảo tàng Đà Nẵng, nhiều học giả, nhà nghiên cứu lịch sử trong nước và quốc tế đã tham dự triển lãm "Hoàng Sa - Trường Sa, phần lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam" nhằm tiếp cận, tìm hiểu và có cái nhìn toàn diện, khách quan về chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam tại hai quần đảo này.
Triển lãm trưng bày hơn 200 bản đồ, tư liệu của Việt Nam, Trung Quốc và các nước phương Tây, trong đó có nhiều tài liệu lần đầu được công bố, khẳng định Nhà nước Việt Nam đã xác lập và thực thi chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa liên tục từ thời phong kiến nhà Nguyễn đến nay; đồng thời cho thấy lãnh thổ cực nam của Trung Quốc chỉ dừng lại ở đảo Hải Nam.
Những tư liệu quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam dưới thời chính quyền Việt Nam cộng hòa (1954-1975), phản ánh sự hiện diện thường xuyên của quân lực Việt Nam cộng hòa tại Hoàng Sa và vùng biển phụ cận, ban hành những văn bản chính sách, thực thi hàng loạt hoạt động kinh tế, khoa học tại các quần đảo Hoàng Sa, và luôn khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa trong quan hệ quốc tế, hoạt động ngoại giao…
Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng, cho biết đây là cuộc triển lãm ý nghĩa, những bằng chứng lịch sử và pháp lý ở đây giúp khẳng định Việt Nam đã xác lập, thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa một cách hòa bình. Triển lãm thu hút đông đảo học giả, nhà nghiên cứu quốc tế đến xem, góp tiếng nói cùng Việt Nam bảo vệ công lý, hướng đến xây dựng một Biển Đông hòa bình cho cả khu vực.
Nhớ tường tận đã là ngày thứ 52 kể từ khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, ông Tiếng nói rằng đây là hành động không chỉ để khoan thăm dò dầu khí mà Trung Quốc còn "khoan" thăm dò sức chịu đựng và lòng yêu nước của người Việt. Đồng thời nhằm hiện thực hóa yêu sách "đường chín đoạn" sai trái của họ.
"Tôi hy vọng cuộc triển lãm này không chỉ góp phần vào cuộc đấu tranh ngoại giao và pháp lý để yêu cầu Trung Quốc phải rút ngay, không điều kiện, giàn khoan Hải Dương 981 cùng các tàu vũ trang, tàu quân sự hộ tống ra khỏi vùng biển Việt Nam; mà còn góp phần vào việc tranh luận học thuật nhằm vạch trần, bác bỏ yêu sách 'đường lưỡi bò' và rộng hơn là ý đồ của nhà cầm quyền Trung Quốc muốn độc chiếm hầu như toàn bộ Biển Đông cả về tài nguyên lẫn tự do hàng hải", ông Tiếng nói.
Giáo sư Erik Franckx (Đại học Tự do Brussel - Bỉ, thành viên Tòa trọng tài thường trực) khẳng định: "Các bản đồ ở triển lãm đều có giá trị và rất quan trọng". Còn tiến sĩ lịch sử Nguyễn Nhã ghi lại cảm tưởng: "Tôi mong các trường học từ phổ thông đến cao đẳng, đại học tổ chức tham quan. Bởi Hoàng Sa và Trường Sa là chất men yêu nước, xây dựng đất nước thành cường quốc biển trong tương lai".
Trao đổi với VnExpress trong khuôn khổ Hội thảo quốc tế "Hoàng Sa - Trường Sa, sự thật lịch sử", tiến sĩ Nguyễn Nhã nói rằng ông đã tiếp cận với 5 bằng chứng mà phía Trung Quốc đưa ra để nói rằng Việt Nam từng công nhận Hoàng Sa, Trường Sa là của Trung Quốc. Nhưng các bằng chứng Trung Quốc đưa ra rơi vào thời điểm Việt Nam đang bị chia cắt và không có giá trị pháp lý. Việt Nam có thể sử dụng hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 mà chính Trung Quốc là nước đã tham gia ký, để phản bác.
"Sau khi giải phóng, năm 1975, Việt Nam đã trao đổi và khẳng định ngay với chính quyền Trung Quốc vấn đề chủ quyền tại Hoàng Sa và năm 1979 có Sách Trắng khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa", tiến sĩ Nhã nhấn mạnh.
Nguyễn Đông