Thứ hai, 21/1/2019, 01:45 (GMT+7)

"Rất đông lính Trung Quốc nhảy lên tàu mình, chúng cướp lái rồi đánh mình tới tấp bằng dùi cui", Hải nhớ lại. Đến khi người thuyền trưởng của tàu QNg 90205 ngất xỉu, lũ người này vẫn hung hăng đập vỡ cửa kính, máy ICom, máy dò và thiết bị trên tàu.

Trong lúc lùng sục boong tàu thu cá, hút dầu, chúng phát hiện thủy thủ Lê Anh, lại dùng dùi cui vụt mạnh vào đầu, đá thốc vào bụng, hông... cho đến khi anh mềm nhũn.

Hồi tỉnh lúc tờ mờ sáng, thuyền trưởng Hải nghe toàn thân đau đớn, lúc nóng ran khi lạnh toát, các anh em đang trên đường đưa mình và Lê Anh vào bờ. Lúc đó những chỗ bị đánh đã tím tái, Hải thấy đau đầu, buồn nôn nhưng vẫn húp được chút cháo, còn Lê Anh thì đã nằm bất động. Đó là một ngày giữa tháng 5 năm 2014.

Tình trạng của tàu QNg 90205 và thuyền viên khi được đưa vào bờ.

"Hoàng Sa là của ông bà mình nhưng Trung Quốc nó chiếm mất rồi", các lão ngư ngày ấy nói với Hải trước chuyến ra khơi. Từ tấm bé, cũng như những đứa trẻ lớn ở xóm biển Gành Cá, Hải đã biết đến Hoàng Sa qua lời kể của mẹ. "Cha đi biển ở Hoàng Sa", lời mẹ nói vẫn còn trong ký ức.

Làng biển của Hải ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi, nổi tiếng với nghề lặn đêm. 15 tuổi, chàng thiếu niên đã ra khơi. Qua hàng chục hải trình, chàng ngư dân trở nên cứng cáp, rồi được chọn vào đội đi tàu ra Hoàng Sa đánh bắt.

16 tuổi, Hải đã chạm vào Hoàng Sa như chạm vào một phần máu thịt của quê hương bị chia lìa. Vượt qua sóng, gió và cả một cơn đột quỵ suýt tàn phế vì áp suất khi lặn, đến năm 2012, Hải được người chú giao tàu. Anh trở thành thuyền trưởng.

Niềm tin được ký thác, chàng thuyền trưởng trẻ đầy bản lĩnh chống chọi với sóng gió, cùng anh em và bạn tàu bình yên vô sự suốt hai năm sau đó. "Trung Quốc nó đuổi thì mình chạy mà nó hết đuổi thì mình làm tiếp". Sự vô tư về chủ quyền của người ngư phủ chỉ thay đổi từ khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981, tháng 5/2014.

Cảng cá Tịnh Kỳ, thành phố Quảng Ngãi ngày 18/5/2014 đông đúc hơn mọi ngày. Là nơi đặt đồn Biên phòng, Tịnh Kỳ ngày thường nhộn nhịp những chuyến tàu ra vào khai báo, rôm rả tiếng cười đùa của những phụ nữ phơi cá. Nhưng hôm ấy chỉ có những gương mặt âu lo.

Những ngày trước đó, từ khi hạ đặt giàn khoan trong lãnh hải Việt Nam, các tàu Trung Quốc đã xịt vòi rồng, rượt đuổi, đâm va nhiều tàu cá của ngư dân. Và ngày 16/5, xóm Gành Cá nhận tin dữ: tàu của thuyền trưởng Nguyễn Tấn Hải bị tấn công.

Bà Đặng Thị Thơm đến cảng từ sáng sớm, bồn chồn, đứng ngồi không yên chờ tàu về. Cứ mỗi lần có một tàu cập cảng, bà cùng dòng người ùa ra đón. Nhưng lần lượt bốn chiếc tàu đều không phải 90205 của con trai, bà càng thêm nóng ruột.

Đến trưa, khi tàu 90205 cập bến. Thấy con được khiêng ra khỏi tàu, bà Thơm khóc nức nở. Quanh bà, người thân của những thuyền viên khác cũng không kìm được tiếng khóc. Hải và bạn thuyền Lê Anh được đưa đi cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi. Hải bị thương nặng ở cánh tay, còn Lê Anh bị thương nặng ở ngực và hông. Cả hai đều có những vết thương ở đầu.

Đã 5 năm trôi qua, lần bị Trung Quốc đánh đập vẫn còn in đậm trong tâm trí Hải. Anh nhớ lại. Đêm đó, anh em chia làm hai sà lan xuống biển lặn bắt hải sâm, chỉ còn Hải và Lê Anh ở lại tàu. Giữa đêm đen, tàu Trung Quốc to gấp 5 lần tàu Hải bất ngờ áp sát, rượt đuổi.

Những ngày tháng 5 ấy đánh dấu một bước ngoặt đen tối trong cuộc đời những người Việt Nam kiếm ăn ở ngư trường Hoàng Sa. Sau thời điểm đó, Trung Quốc bắt đầu đẩy mạnh các hành vi côn đồ trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Nghề đi biển của một dải miền Trung lao đao.

"Nhiều người dân hỏi tôi đã đi Hoàng Sa chưa? Câu hỏi như kim đâm vào da thịt. Làm sao đi được khi lãnh thổ của chúng ta đang bị Trung Quốc chiếm đóng", ông Đặng Công Ngữ xa xót trước khi nghỉ hưu.

1.835 ngày giữ chức Chủ tịch huyện đảo Hoàng Sa, thuộc thành phố Đà Nẵng, ông Ngữ chưa một lần "xuống địa bàn".

Quần đảo Hoàng Sa nằm phía Đông của Việt Nam, ngang bờ biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi. Trong đó đảo Tri Tôn cách Cù Lao Ré, tỉnh Quảng Ngãi 123 hải lý - 228 km. Tổng diện tích của cả quần đảo khoảng 10 km2.

Vùng biển Hoàng Sa có tiềm năng lớn về khoáng sản và hải sản. Quan trọng hơn, với việc án ngữ đường hàng hải quốc tế huyết mạch từ Thái Bình Dương qua Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương, đây còn là vị trí quân sự chiến lược, khống chế đường giao thông trên biển và trên không khu vực phía bắc Biển Đông.

Với ngư dân, Hoàng Sa từ nhiều thế hệ là nguồn sống. Mùa biển lặng, ngư dân lợi dụng sức gió để căng buồm ra khơi đánh bắt. Không bắt được hải sản, họ cũng có thể lấy san hô, vỏ ốc về bờ bán cho khách du lịch; tách gân ốc tai tượng bán cho thương lái làm thuốc, chế biến thức ăn.

Nửa đầu thế kỷ XVII, dù phương tiện còn thô sơ, nhưng chúa Nguyễn đã lập Đội Hoàng Sa kiêm quản Đội Bắc Hải, vượt sóng gió ra đảo đo vẽ bản đồ, cắm mốc chủ quyền, bảo vệ cương giới nước nhà tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đời vua Minh Mạng, bia chủ quyền được dựng vào năm 1834.

Dưới thời Pháp thuộc, từ 1884 đến 1945, với tư cách đại diện cho Việt Nam về đối ngoại, Cộng hoà Pháp tiếp tục khẳng định, quản lý và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa.

Năm 1959, Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa cho một số lính đóng giả ngư dân bí mật đổ bộ lên các đảo Hữu Nhật, Duy Mộng, Quang Hoà nhằm đánh chiếm nhóm phía Tây quần đảo Hoàng Sa. Quân lực Việt Nam Cộng hoà phát hiện bắt giữ 82 "ngư dân" cùng 5 thuyền đánh cá vũ trang đưa về giam tại Đà Nẵng, sau đó trao trả cho Trung Quốc.

Ngoài việc bố phòng binh lính để canh giữ Hoàng Sa, chính quyền Việt Nam Cộng hoà còn cho nghiên cứu thuỷ văn, khai thác phốt phát, sáp nhập quần đảo Hoàng Sa vào thành một đơn vị hành chính của tỉnh Quảng Nam. Ở các hoạt động đối ngoại, Việt Nam Cộng hoà đều khẳng định chủ quyền tại hai quần đảo trên biển Đông.

Sau nhiều lần phải rút quân khỏi Hoàng Sa, ngày 15/1/1974, Trung Quốc chủ động gây hấn bằng việc tuyến bố lên án chính quyền Việt Nam Cộng hoà đã "xâm lấn đất đai của Trung Quốc", và khẳng định "tất cả các quần đảo Nam Sa, Tây Sa, Đông Sa và Trung Sa là lãnh thổ Trung Quốc".

Quân đội nước này được lệnh đổ bộ và cắm cờ Trung Quốc lên các đảo Hữu Nhật, Quang Ảnh, Quang Hoà và Duy Mộng thuộc nhóm đảo phía Tây quần đảo Hoàng Sa.

Một số dấu mốc tại quần đảo Hoàng Sa (các vị trí tàu đâm căn cứ theo lời kể của nhân vật).

Sáng 19/1/1974, khi người nhái Việt Nam Cộng hoà cùng lính biệt hải lên các đảo hạ cờ Trung Quốc, nhiều loạt đạn từ phía Trung Quốc vang lên. Hai người bị bắn gục.

Hơn 10h, pháo trên tàu của hai phía đồng loạt nã vào nhau ở cự ly khoảng 100 m. Sự kiện thường được gọi với cái tên "Hải chiến Hoàng Sa" bắt đầu.

Trong trận hải chiến này, Hải quân Việt Nam Cộng hoà điều ra Hoàng Sa bốn chiến hạm. Phía Trung Quốc ngoài bốn chiến hạm còn có hai tàu ngầm loại Romeo Class S033 282 và 289. Những chiến hạm của Việt Nam Cộng hoà to lớn hơn, trong đó khu trục hạm Trần Khánh Dư (HQ4) là tàu chiến hiện đại nhất của phía Việt Nam Cộng hòa. Tuy nhiên khi giao chiến, các tàu nhỏ của Trung Quốc lại linh hoạt hơn. 

 Có mặt trong trận hải chiến, cựu thượng sĩ Trần Dục (74 tuổi, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế), quản trưởng khu trục hạm Trần Khánh Dư (HQ4) Việt Nam Cộng hòa, thuật lại "các tàu cách nhau chỉ khoảng 100m nên cả hai bên đều trúng đạn", "Vũ khí trên của HQ4 khi đó chỉ có hai khẩu 76 ly, một đại bác 20 ly và súng tiểu liên M16". 

Trong lúc giao tranh, HQ4 bị trúng đạn, thủng lỗ chỗ. Binh lính vừa chiến đấu, vừa thay phiên nhau tát nước và dùng nệm "vá" vết thương cho tàu khỏi chìm. Hộ tống hạm Nhật Tảo (HQ10) bốc cháy rồi chìm dần.  "Hải quân Việt Nam Cộng hoà lúc đó chưa có kinh nghiệm chiến đấu thực địa", ông Dục nói.

Nhiều binh lính Việt Nam Cộng hoà đã hy sinh hoặc bị bắt làm tù binh. Số còn lại phải rút lui về Đà Nẵng. Toàn bộ quần đảo Hoàng Sa rơi vào tay Trung Quốc.

Ngày 20/1/1974, Ngoại trưởng VNCH Vương Văn Bắc đã thông báo tình hình quần đảo Hoàng Sa cho Martin - Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn, và yêu cầu nước này cho biết sẽ dành cho Việt Nam Cộng hoà sự ủng hộ nào về vật chất, chính trị với tư cách là quốc gia đã ký kết bảo đảm cho Hiệp định Paris. 

Thời điểm này, cuộc chiến của Mỹ ở ba nước Đông Dương đã đến hồi kết. Dù lực lượng hải quân hùng mạnh với hàng không mẫu hạm vẫn túc trực ở biển Đông, phía Mỹ im lặng.

Một phụ nữ Quảng Ngãi nghe tin con bị Trung Quốc bắt tại ngư trường Hoàng Sa năm 2014.

Tháng 4/1975, đất nước thống nhất. Ở ngoài khơi, Hoàng Sa vẫn bị quân Trung Quốc chiếm giữ. Còn Trường Sa đã được bộ đội Việt Nam tiếp quản một phần.

Tại cuộc đàm phán về biên giới giữa Hà Nội và Bắc Kinh tháng 10/1977, Trưởng đoàn Việt Nam Phan Hiền đã bác bỏ vu cáo của phía Trung Quốc đối với việc Hải quân Nhân dân Việt Nam đã tiếp quản các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, và tái khẳng định chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tuy nhiên đề nghị đưa vấn đề hai quần đảo này vào chương trình nghị sự đã bị đối phương từ chối.

Ngày 11/12/1982, Chính phủ Việt Nam quyết định thành lập huyện Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Và kể từ đó, là hơn hai mươi năm của những cán bộ cấp huyện không thể đặt chân lên vùng đất mình quản lý, như ông Ngữ.

Cách nơi hạ giàn khoan khoảng 17 hải lý, ngày 26/5/2014, tàu cá ĐNa 90152TS của vợ chồng bà Huỳnh Thị Như Hoa và ông Trần Văn Bốn ở Đà Nẵng bị tàu vỏ sắt của Trung Quốc tông chìm

Các tàu Trung Quốc sau đó đã ngăn cản việc ngư dân Việt cứu người. 10 ngư dân may mắn sống sót, nhưng con tàu hư hỏng hằn nguyên vết đâm chí mạng bên mạn trái. Trung Quốc phủ nhận chuyện này và cho rằng tàu cá Việt Nam đã tự lật sau khi cố đâm vào tàu Trung Quốc.

Khi đoạn video được truyền thông Việt Nam công bố, Trung Quốc đã im lặng. Lần này, không còn từ "tàu lạ", mà cả số hiệu tàu cũng được ngư dân trên các tàu cùng biên đội với ĐNa 90152TS ghi lại. Đó là những con tàu đến từ Trung Quốc.

Tàu Trung Quốc đâm tàu cá Việt Nam
 
 
Hình ảnh tàu Trung Quốc đâm chìm tàu ĐNa 90152TS được ngư dân ghi lại.

Tàu ĐNa 90152 giờ nằm phơi mưa nắng ở hợp tác xã đóng tàu Bắc Mỹ An, Đà Nẵng. Gia đình bà Hoa và ông Bốn đã bằng mọi giá vớt xác con tàu đầy thương tích về bờ - như một bằng chứng cho sự côn đồ của những kẻ lấn biển. 

Trong mong ước của bà Hoa, con tàu của gia đình sẽ được chuyển tới Nhà trưng bày Hoàng Sa như hiện vật cho một giai đoạn lịch sử trên biển Đông. Nhưng phía Nhà trưng bày không xếp được chỗ. Con tàu cứ nằm đó, chỉ trở thành chứng tích cho nỗi buồn riêng của một gia đình.

"Thi thoảng đi ngang qua xưởng đóng tàu, tôi lại ghé vào thăm và cảm thấy buồn". Người phụ nữ can trường trong những ngày trắng đêm cùng con tàu chìm, đôi mắt đỏ hoe, bây giờ đã không muốn kể nhiều về con tàu đang chảy gỉ sắt che dần lớp sơn và số hiệu.

Năm năm trước, bà Hoa tìm đến luật sư với quyết tâm kiện tàu cá Trung Quốc ra toà án quốc tế. Luật sư Đỗ Pháp ở Đà Nẵng tham gia vụ kiện ngay từ đầu, không nhận thù lao. Nhưng sau nhiều lần gặp và văn bản đề nghị, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã không chút mảy may hồi âm yêu cầu của ngư dân Việt.

Ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch Hội nghề cá Đà Nẵng cũng là một thành viên trong gia đình bà Hoa. Ông Lĩnh cũng ước gì có một vụ kiện được đưa ra tòa án quốc tế. Bằng chứng chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa sẽ được trưng ra toà. Phán quyết của toà quốc tế sẽ không đơn thuần là về một tàu cá, mà còn là chủ quyền của Việt Nam với ngư trường truyền thống.

Tàu ĐNa 90152TS sau khi bị đâm chìm tại ngư trường Hoàng Sa.

"Đây là vùng biển Trung Quốc, đề nghị ngư dân Việt Nam đi ngay, nếu không hậu quả khôn lường", ông Bùi Tấn Ngọt để hai tay trước miệng làm chiếc loa, giọng tức tối khi thuật lại lời cảnh báo trước khi rượt đuổi của tàu Trung Quốc.

Sau khi chiếm hết quần đảo Hoàng Sa, mật độ tàu cá Trung Quốc ra ngư trường Hoàng Sa ngày một đông, Chính phủ Trung Quốc cũng đối xử thậm tệ với ngư dân Việt bằng lệnh cấm biển đơn phương, những màn rượt đuổi không báo trước, cướp bóc, bắt bớ đòi tiền chuộc để làm ngư dân nhụt chí.

Hàng năm, Trung Quốc đưa từ 12.000 đến 15.000 tàu cá đánh bắt, dùng điện cực mạnh, mắt lưới cực nhỏ để đánh bắt kiểu triệt tiêu nguồn sống. Chưa kể những tàu cá bán vũ trang, được trang bị tận răng. Tàu vỏ sắt còn có lườn ở dưới mũi để sẵn sàng đâm va. Nhiều vụ tàu cá Trung Quốc bị phát hiện khi đang đánh bắt cách cảng Tiên Sa chừng 30 hải lý. Thậm chí còn ngang nhiên xua đuổi ngư dân Việt.

Ngư dân trên tàu của ông Bùi Tấn Ngọt được đưa về bờ sau khi tàu bị đâm chìm năm 2018.

Ông Ngọt bị Trung Quốc đâm chìm tàu khi đánh bắt gần đảo Lin Côn, quần đảo Hoàng Sa hồi tháng 4 năm ngoái. Ông vẫn nhớ những ngày Hoàng Sa còn bình yên.

"Tôi đi biển gần 20 năm. Hồi đó tàu mình vẫn ra neo đậu với tàu họ bình thường. Ban đêm đánh bắt, ban ngày vô đảo luộc cá ăn. Ở đó có giếng nước mấy ông Lý Sơn đào để mình uống", ông kể.

Ông Ngọt ngồi ôn lại lịch sử, khi hùng binh Hoàng Sa tuân lệnh vua ban, giong thuyền buồm ra biển và quả quyết: "Anh em chúng tôi nghĩ đó là đảo của ông bà mình".

Ra Hoàng Sa lần nào cũng bị Trung Quốc rượt đuổi, thấy Hoàng Sa mà vẫn nhớ Hoàng Sa vì những bóng tàu kiểm ngư, hải quân Trung Quốc khắp nơi, sẵn sàng xịt vòi rồng, rượt đuổi, giương súng uy hiếp.

Ông Nguyễn Thanh Hùng - Chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu - kiểm đếm, sau sự kiện giàn khoan 981 năm 2014, việc Trung Quốc tấn công ngư dân có lắng lại, nhưng những năm 2016, 2017, 2018, năm nào cũng có khoảng 20 tàu trình báo bị Trung Quốc rượt đuổi, cướp tài sản, đâm chìm.

Những năm qua, nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân như nghị định 48 (hỗ trợ dầu), nghị định 67 về cho vay vốn. "Nghị định hỗ trợ dầu rất thiết thực nhưng chính sách cho vay vốn chưa hiệu quả, ngư dân rất ngại thủ tục rườm rà, ngân hàng cũng không dám rủi ro cho vay", ông Hùng nói.

Người đi biển ít dần. Có nơi ngư dân gây án mạng chỉ vì tranh giành mối giới thiệu bạn tàu. Ở Đà Nẵng xe thồ, xích lô cũng nhảy xuống tàu đi biển. Để có đủ hơn 10 lao động vận hành một tàu cá ngoài khơi, chủ tàu chấp nhận trả tiền trước, vừa ra khơi vừa đào tạo thuyền viên.

Liên tục bị rượt đuổi, cướp tài sản, tông chìm tàu vào những năm 2014, 2015, 2016, ông Võ Văn Lựu ôm nợ nhưng vẫn vay vốn đóng tàu 4 tỷ. Cuối năm 2017, ông Lựu khấp khởi khi sở hữu con tàu lớn nhất từ trước đến nay. Quảng Ngãi lúc này càng khan hiếm bạn thuyền vì ngư dân ai cũng đóng tàu lớn, cũng như các ngư dân khác, ông lặn lội vào tận Nha Trang để "tìm bạn" - cách gọi người đi biển thuê.

"Tiệc tùng ăn nhậu đã đời, ứng tiền cho bạn tiêu Tết mấy chục triệu, qua Tết tôi chưng hửng khi không có bạn nào đi", giọng ông Lựu buồn rầu. Không có bạn làm nghề lặn đêm, ông phải chuyển sang nghề lưới rập để đánh bắt cua huỳnh đế ở vùng biển Hoàng Sa. "Nghề bắt cua huỳnh đế làm ban ngày nên Trung Quốc đuổi thì chạy không kịp, đầu năm 2018, tôi lại bị rượt đuổi, cướp lưới, hải sản", ông ngậm ngùi.

Một người mẹ chờ con ở cảng Sa Huỳnh, chưa biết con bà đã bị Trung Quốc bắt.

Nắm được tâm lý mong mỏi bạn tàu khi lao động đi biển khan hiếm, nhiều ngư dân làm biển thuê mượn tiền nhiều chủ tàu cùng lúc. "Họ nợ ai nhiều nhất thì đi với người đó, hoặc có khi mượn hết rồi mà vẫn không đi, ở nhà đi thúng gần bờ". Ông chủ tàu nhẩm tính, năm năm qua, số tiền ông cho bạn mượn nợ đã lên 500 triệu đồng.

Đó là nỗi khổ chung của nhiều chủ tàu Quảng Ngãi. Tháng 3/2018, bản tin 4 ngư dân bị chủ tàu trói ở Quảng Ngãi vì sợ trốn nợ được đăng tải khắp các mặt báo. Dưới phần bình luận, nhiều người lên án đây là hành vi "tàn bạo", "như thời trung cổ". Nhưng đằng sau đó, ít người thấu hiểu được nỗi khổ của những chủ tàu bị thiệt hại, mất mát... từ những người "bạn" xấu, cạn nghĩ.

Nhìn lại năm 2018, ông Võ Văn Lựu bảo đây có lẽ là năm khó khăn nhất trong đời đi biển của ông. Không có bạn, ông chỉ đi được hai chuyến biển. Tuổi cao, ông mắc bệnh gai cột sống, sức vẫy vùng cũng đuối dần dù khoản nợ ngân hàng hơn 1 tỷ vẫn treo lơ lửng trên đầu.

Một người ngư dân ôm con sau chuyến đi biển gặp nạn.

Một tháng sau khi bị đánh trên biển, Hải hồi phục sức khỏe, tiếp tục đi biển. Nuôi giấc mộng lớn, anh "ra riêng", hùn vốn với người làng đóng tàu, để lại con tàu cũ của gia đình cho anh trai.

Hơn 24 tuổi, Hải đã vượt qua cả thiên tai lẫn nhân tai, nhưng khó khăn vẫn tiếp tục thử thách anh. Nguồn hải sản ngày càng cạn kiệt, đánh bắt không có, anh trai Hải lái tàu sang vùng biển nước ngoài đánh cá, và hai lần bị tịch thu tài sản, ngồi tù.

Những năm trước 2014, sau chuyến biển xa bờ, một tàu cá công suất 500-700 CV có thể đạt doanh thu 500 triệu đến hơn một tỷ đồng. Nhưng những năm gần đây, những chuyến biển bội thu ngày một hiếm dần. Trong khi đó, ngư dân đóng tàu phần lớn từ vốn vay của nậu (chủ cơ sở thu mua hải sản) và ngân hàng.

"Khi ra khơi phải trang trải nhiều chi phí, nhất là ứng tiền cho bạn đi biển. Nếu không có cá, thu nhập giảm thì bạn thuyền đều nản".

Bị cuốn vào vòng luẩn quẩn này, Hải dù thấy trước hậu quả vẫn cho tàu sang vùng biển nước ngoài đánh bắt. Cuối năm 2016, anh bị bắt, bỏ tù năm tháng. 

"Bây giờ tên tuổi, số hiệu tàu vi phạm của em có trên báo nước ngoài nên cũng không ngại khi chia sẻ. Đói quá thì phải đi thôi. Chứ biết sao giờ".

Bài: Phạm Linh - Nguyễn Đông - Đức Hoàng
Ảnh: Phạm Linh - Nguyễn Đông