- Sau tập một của Project Runway, nhiều người nhận ra Hồng Lam, cô gái từng là bạn gái của anh trong video trình chiếu ở chung kết Project Runway năm ngoái. Vì sao vòng casting, anh tỏ ra không quen biết Lam?
- Với tôi, Hồng Lam vừa là người thân vừa là thí sinh. Tôi kỳ vọng nhiều cho sự thành công của cô ấy trong tương lai. Hơn ai hết, tôi biết Hồng Lam là nhà thiết kế có tâm và nỗ lực không ngừng cho niềm đam mê thời trang. Tôi hy vọng cô ấy sẽ trưởng thành hơn cũng như tìm được hướng đi khi đến với cuộc thi này.
Tuy nhiên, Project Runway Vietnam là cuộc thi có tính thực tế cao, đòi hỏi sự công bằng, chuyên nghiệp, dù đó là học trò, người nhà hay bạn bè. Khi ở vai trò giám khảo vòng casting, tôi có phần khắt khe vì muốn Lam thuyết phục được giám khảo khác chứ không chỉ riêng mình tôi. Có vẻ tài "diễn xuất" của tôi cũng làm khán giả ngạc nhiên chứ nhỉ? (cười)
- Anh trả lời sao trước những lo ngại Hồng Lam được ưu ái vì mối quan hệ thân thiết với anh?
- Ban đầu, tôi khá bối rối không biết ứng xử thế nào khi gặp nhau trong chương trình, không biết người ngoài "dòm ngó" ra sao. Nhưng ở vị trí của mình, tôi cứ đúng nguyên tắc mà làm. Hồng Lam sẽ hiểu khi cô ấy đạt được những thành công nhất định.
Tôi và Hồng Lam đã chia tay một thời gian dài nên quan hệ đơn thuần là đồng nghiệp. Tôi không muốn mọi người quan tâm nhiều về vấn đề tình cảm cá nhân. Tuy nhiên, ai cũng có cảm xúc và tôi không ngoại lệ. Sẽ là nói dối nếu bảo tôi hoàn toàn "vô cảm" khi đứng trước mặt Lam. Chúng tôi vẫn thể hiện tình cảm bình thường. Nhưng tôi và Lam đều muốn cô ấy tự đi bằng đôi chân của mình. Sẽ không có gì đáng tự hào nếu chiến thắng nhờ quan hệ hay được nâng đỡ.
- Anh giúp Hồng Lam những gì về chuyên môn khi đến với cuộc thi này?
- Cô ấy từng làm việc với tôi trong hai năm, tôi nghĩ đây là thời điểm thích hợp để vận dụng những kiến thức ở trường và kinh nghiệm thực hành. Tôi sẽ tự hào nếu cô ấy là quán quân mùa thứ hai này. Hiện Hồng Lam sống "cách ly" ở nhà chung cùng các thí sinh khác. Theo nội quy, tôi không được phép tiếp xúc hay gọi điện hỏi thăm chứ đừng nói là giúp đỡ.
- Bên cạnh chuyện tình cảm, khán giả cũng chú ý đến cuộc sống riêng của các nhà thiết kế năm nay vì những trò "làm quá", yêu đồng giới trong nhà chung. Anh nhận xét thế nào?
- Các thí sinh năm nay đều là những người cá tính. Tôi nghĩ việc thể hiện cái tôi trong công việc cũng như trong nhà chung là tốt, bởi đó là một trong những yếu tố bắt buộc để thu hút khán giả. Để làm cho mọi người nhớ tên hẳn họ cũng có nhiều điều đặc biệt. Như bạn thấy, các nhà thiết kế lừng danh thế giới ít nhiều đều có tính cách lập dị, khác người, và đa số là người đồng tính. Công chúng chấp nhận điều đó và vẫn say mê các thiết kế đầy sáng tạo của họ. Bản thân tôi vô cùng ngưỡng mộ Tom Ford, Marc Jacob, Dolce & Gabbana và sẽ cảm thấy tự hào nếu Việt Nam có những nhà thiết kế tài năng như thế.
Ở Việt Nam, do ảnh hưởng của văn hóa truyền thống nên việc thể hiện cái tôi quá mạnh dễ làm người đối diện mất cảm tình. Nhưng tôi tin quan điểm này sẽ thay đổi theo thời gian. Vả lại, tính cách chỉ là bề nổi, quyết định loại hay giữ ai vẫn phụ thuộc vào tài năng của các nhà thiết kế. Khoan khen chê vội vàng, vì chặng đường phía trước còn rất dài. Chúng ta cứ chờ đợi xem họ có thể đem đến những gì trong những tập tiếp theo.
- Hầu hết các chương trình truyền hình thực tế đều bị vướng nghi vấn dàn dựng để tạo độ hot. Là người trong cuộc, anh nói sao?
- Với các chương trình khác thì tôi không biết, nhưng là người từng tham gia cuộc thi năm ngoái, tôi hiểu những gì diễn ra ở mỗi tập phát sóng đều dựa trên câu chuyện có thật. Chúng tôi là nhà thiết kế chứ không phải diễn viên mà có thể "diễn" được mãi, cũng không có một kịch bản nào bắt chúng tôi phải nói thế này, hành động thế kia. Những tình huống xảy ra đều khó đoán trước vì nó phát sinh trong quá trình sống và làm việc chung.
Tuy nhiên, không phủ nhận, vì sự cạnh tranh gay gắt cho ngôi vị quán quân duy nhất, các thí sinh thường cố gắng làm mọi thứ để thu hút sự chú ý của khán giả và giám khảo. Chính điều đó sẽ tạo ra kịch tính cho chương trình. Nhưng như tôi nói, "chiêu trò" không phải tất cả. Minh chứng rõ nhất là Tuấn Vũ - nhân tố cá tính ở nhà chung đã bị loại khi mới đến tập 5.
- Những cuộc thi thiết kế thời trang thường ít tạo được sự chú ý so với các chương trình giải trí. Là người trong nghề, anh đánh giá thế nào về mức độ quan tâm của giới chuyên môn?
- Các cuộc thi thiết kế thời trang thường ít tạo chú ý vì thiên về chuyên môn và ít chiêu trò, scandal, nếu có cũng chỉ xoay quanh chuyên môn. Vì thế, dễ hiểu nếu nó không "hot" bằng các cuộc thi khác. Nhưng với người yêu mến thời trang, những người đang học ngành thiết kế, các chuyên gia hay cả những người muốn hiểu về thời trang, chúng tôi luôn "khát" các chương trình thế này để trau dồi kinh nghiệm. Tôi chưa bao giờ bỏ qua một tập nào cho đến hiện tại và những người tôi biết cũng vậy.
Thời trang Việt còn thiếu chuyên nghiệp vì nhiều lý do, gồm cả kiến thức và ý thức của người thiết kế lẫn người mặc. Trong khi, những cuộc thi thuần về thời trang lại ít được quan tâm, đầu tư sản xuất, vì nó quá tốn kém mà không mang lại lợi nhuận tức thì. Nói đơn giản như Project Runway 2013, chúng tôi và êkíp đã ăn ngủ, làm việc cùng nhau trong áp lực suốt mấy tháng để cho ra 8 tập phim sau khi cắt ghép, mỗi tập kéo dài chỉ 40 phút. Đó là một trong những kỳ công mà khán giả xem truyền hình ít khi thấy được.
- Tình trạng ăn cắp mẫu của các nhà thiết kế trẻ không còn là chuyện hiếm thấy. Anh làm thế nào để bảo đảm thiết kế của thí sinh Project Runway đúng là công sức của họ?
- Tôi không thể đảm bảo việc này vì hiện tại họ đang từng ngày làm việc dựa trên chính khả năng và sự thể hiện của mình. Nhưng với sự cách ly khá nghiêm ngặt cùng những thử thách biến đổi liên tục, họ sẽ không có cơ hội dựa dẫm vào bất cứ điều gì ngoài thực lực của mình. Giám khảo, ban tổ chức và các chuyên gia thời trang luôn theo dõi từng ly từng tí, vì thế nếu phát hiện gian lận, họ sẽ bị loại ngay lập tức. Trường hợp của Lý Giám Tiền là một ví dụ. Dù không bị loại vì lý do chính đáng, anh cũng bị truất giải Nhất tuần.
- Bản thân anh từng bị nghi ngờ copy ý tưởng, anh nghĩ nhà thiết kế nên chọn cách im lặng hay lên tiếng và nhận trách nhiệm nếu mình sai?
- Tôi đã gặp nghi vấn đạo và khá sốc trước tin này. Tôi tìm đủ mọi cách để phân tích vì sao mình bị "kết án" như thế. Sự giống nhau giữa thiết kế của tôi và Gucci nằm ở bố cục, cách xử lý phom dáng của một số mẫu khi nhìn tổng thể. Điều này cũng khiến tôi thật sự bất ngờ.
Tôi hiểu khi một nhà thiết kế đi theo xu hướng sẽ khó tránh khỏi tình trạng trùng lặp, vì thế tôi cũng thật sự biết ơn khi mọi người lên tiếng để tôi rút kinh nghiệm từ những bài học này. Với tôi, mẫu thiết kế của mình được công chúng đón nhận mới là điều tuyệt vời nhất. Vì thế, sẽ không có gì ngăn tôi ngừng sáng tạo.
Vân An thực hiện