Tại Bệnh viện Từ Dũ, TP HCM, sáng 23/7 sản phụ Nguyễn Thị Hương sinh con trai hôm qua, nói chị bị viêm gan B nên muốn tiêm ngay cho con để giảm nguy cơ lây bệnh từ mẹ. "Các bác sĩ bảo nếu tiêm văcxin viêm gan B trong vòng 24 giờ đầu sau sinh có thể phòng lây truyền từ mẹ sang con đến 80-85%, nhưng mà nghe nói vừa xảy ra tai biến sau tiêm cho mấy cháu bé, tôi đâm lo", sản phụ cho biết.
Rất nhiều bạn đọc gửi thư về VnExpress.net bày tỏ mối lo ngại khi cho con tiêm văcxin. Nỗi lo này không chỉ tập trung vào văcxin viêm gan B đang bị nghi ngờ gây ra cái chết của 3 em bé ở Quảng Trị và 1 cháu tại Bình Thuận, mà lan sang các loại văcxin khác. Anh Longvh cũng chia sẻ: “Mình 30 tuổi, mới hoàn thành tiêm phòng viêm gan B xong. Thiết nghĩ nếu bố mẹ không có tiền sử viêm gan B thì con sau này lớn lên tiêm cũng được”. Chị Bé Ba tâm sự: “Con tôi gần được 6 tháng rồi, sắp tiêm ngừa cúm mà không dám chích". Con chị Mai gần 1 tuổi và đã tiêm văcxin tổng cộng 7 lần, chị nói: “Còn tiêm 1 mũi sởi nữa nhưng tình hình tai biến sau tiêm văcxin thế này đáng lo ngại quá, không dám mang con đi chích ngừa nữa”.
Chị Bích Thủy (quận 7) kể con gái chị hiện nay đã 5 tuổi vẫn chưa chích ngừa bệnh này. Thời điểm chị chuẩn bị sinh bé Chuột, tại một số địa phương cũng xảy ra tình trạng trẻ sơ sinh tử vong sau khi tiêm văcxin viêm gan B nên không dám mạo hiểm tiêm cho con. Vợ chồng chị đều ngừa viêm gan B trước khi kết hôn, bèn quyết định không chủng ngừa cho bé mà chờ khi lớn, sức đề kháng tốt hơn mới tiêm.
Trao đổi với VnExpress.net, tiến sĩ Trần Phủ Mạnh Siêu, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TP HCM cùng nhìn nhận có thể một số phụ huynh mang tâm lý lo ngại chất lượng văcxin viêm gan B sau ca tai biến ở Quảng Trị.
"Phụ huynh lo ngại thì có thể đề nghị tiêm dịch vụ nếu có điều kiện hoặc nên tham vấn kỹ bác sĩ trước khi tiêm cho bé. Những trường hợp không cần thiết tiêm ngay như mẹ không bị viêm gan B chẳng hạn thì có thể chậm một tí", bác sĩ Siêu nói.
Giữa các chuyên gia tiêm chủng hiện cũng có những quan điểm trái chiều về việc có nên tiêm văcxin viêm gan B cho trẻ ngay trong 24 giờ đầu chào đời. Giáo sư Nguyễn Đình Bảng, nguyên Viện trưởng Viện Kiểm định văcxin và sinh phẩm y tế quốc gia, thành viên Hội đồng tư vấn văcxin sinh phẩm Bộ Y tế cho biết, hiện có 2 loại văcxin được tiêm cho trẻ sơ sinh gồm lao và viêm gan B. Bệnh lao lây qua đường hô hấp nên tiêm văcxin lao cho trẻ ngay sau khi chào đời là chính xác, còn viêm gan B thì khác.
Virus viêm gan B lây qua 3 con đường, gồm tiêm truyền (máu hoặc ma túy), tình dục và từ mẹ sang con. Với trẻ sơ sinh có thể loại bỏ ngay 2 con đường đầu tiên, chỉ còn lại nguy cơ lây từ mẹ sang con. Nếu người mẹ nhiễm virus viêm gan B thì con sinh ra mới bị lây, không thì cháu hoàn toàn bình thường. Vì thế, theo giáo sư Bảng, cần giám sát người mẹ thay vì tiêm đại trà cho các trẻ ngay sau sinh.
Giáo sư Bảng cũng cho rằng, trường hợp người mẹ nhiễm virus viêm gan B thì trẻ sinh ra cũng không nhất thiết cần phải tiêm ngay văcxin trong vòng 24 giờ sau sinh. Về mặt khoa học, virus đã lây từ mẹ sang con thì không thể tiêm một mũi lại làm âm tính hóa ngay được.
“Theo tôi thì không nên tiêm vội vã cho trẻ mới 1-2 ngày tuổi, lại càng không nên tiêm đại trà cho tất cả các cháu ngay sau khi sinh như hiện nay. Trẻ sơ sinh rất nhạy cảm với các yếu tố bên ngoài”, giáo sư Bảng nói.
Trong khi đó, một chuyên gia khác về văcxin tại Hà Nội thì cho rằng tiêm văcxin viêm gan B cho trẻ trong vòng 24 giờ đầu sau sinh nằm trong chiến lược khống chế và tiến tới loại trừ bệnh viêm gan B - viêm gan virus rất nguy hiểm. Đấy cũng là khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, có đầy đủ tính khoa học. Vì thế, việc tiêm hay không tiêm cho trẻ ngay sau sinh không phải là vấn đề bàn cãi. Gần đây, Bộ Y tế cũng đã có quyết định yêu cầu tất cả các cơ sở có phòng đẻ phải thực hành tiêm viêm gan B mũi một trong 24 giờ đầu.
80% trường hợp ung thư gan và xơ gan là liên quan đến mắc viêm gan B mãn tính. Vì thế, để phòng viêm gan B mãn tính thì cách tốt nhất là tiêm đầy đủ 3 mũi văcxin cho trẻ, trong đó mũi đầu tiên phải tiêm sớm trong vòng 24 giờ đầu.
Gánh nặng bệnh tật do viêm gan B ở Việt Nam rất nặng nề. Tỷ lệ người mang virus viêm gan B ở nước ta nhiều. Kể cả người mẹ không mắc viêm gan nhưng trẻ có thể bị lây ngang trong quá trình chăm sóc nếu tiếp xúc với nguồn bệnh. Trẻ nhỏ mà bị lây bệnh thì 90% trở thành mãn tính. Vì thế, không phải mẹ không bị bệnh thì bé không cần tiêm ngừa.
"Một lô văcxin có hàng trăm nghìn liều nếu do chất lượng thì sẽ bị hàng loạt, chứ không phải chỉ riêng 3 trẻ ở Quảng Trị. Vấn đề là phải có kết quả điều tra để người dân không hoang mang", chuyên gia này nhấn mạnh. Hiện tỷ lệ tiêm văcxin viêm gan B cho trẻ trong 24h đầu sinh tại Hà Nội đạt hơn 70%.
Theo các chuyên gia, phản ứng nặng gây tử vong sau tiêm có thể do 3 nguyên nhân chính. Đó là phản ứng do văcxin, sai sót trong tiêm chủng, trùng hợp ngẫu nhiên với bệnh tật có sẵn của trẻ. Điều khiến các chuyên gia lo lắng lúc này là nguy cơ sụt giảm tỷ lệ tiêm văcxin viêm gan B 24 giờ đầu sau sinh như đã từng xảy ra năm 2007-2008. Khi đó có khoảng 10 trẻ sơ sinh bị tử vong sau tiêm văcxin này.
Văcxin viêm gan B bắt đầu được sử dụng từ năm 1997 tại một số tỉnh trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Từ năm 2003, nó được mở rộng ra cả nước. Từ năm 2007 đến nay, Công ty Văcxin và sinh phẩm y tế số 1 đã cung cấp khoảng 4,5-5 triệu liều mỗi năm trước khi sử dụng văcxin Quinvaxem (tháng 6/2010) và 1,2 triệu liều một năm sau khi sử dụng Quinvaxem.
Việc tiêm phòng 24 giờ sau sinh đã góp phần giảm tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B ở trẻ em dưới 5 tuổi ở Việt Nam còn 2% vào năm 2010. Kế hoạch là tiến tới khống chế tỷ lệ này xuống dưới 1%. Lịch tiêm văcxin cho trẻ em ở Việt Nam trong Chương trình tiêm chủng mở rộng thực hiện theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới mà đa số các nước trên thế giới đang thực hiện. Để giảm số mũi tiêm, gần đây chương trình cũng đã đưa vào sử dụng các văcxin phối hợp như 5 trong 1 nhằm làm giảm số mũi tiêm, và do đó giảm nguy cơ tai biến sau tiêm chủng cho trẻ.
Năm 2007, tức khoảng 10 năm được đưa vào chương trình tiêm chủng quốc gia, văcxin ngừa viêm gan B từng bị Bộ Y tế tạm ngưng tiêm sau khi có một số trường hợp trẻ tử vong sau chích ngừa. Các chuyên gia y tế nhớ lại, thời điểm ấy, vào tháng 4 có 2 em bé sơ sinh ở Hà Tĩnh tử vong sau tiêm. Tháng 5, một bé khác ở Thanh Hóa cũng có hiện tượng sốc phản vệ sau tiêm và được cấp cứu kịp thời. Vài ngày sau một bé gái sinh tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TP HCM cũng tử vong sau khi chích ngừa văcxin viêm gan B. Cũng như 3 em bé ở Quảng Trị, 5 phút sau khi tiêm, bé gái này tím tái, có dấu hiệu sốc, cấp cứu không hiệu quả. Trong khi đó một bé khác cùng lúc được tiêm lọ văcxin trùng lô với cháu bé này thì khỏe mạnh bình thường. Kết luận khám nghiệm tử thi sau đó xác định bé tử vong do phù phổi vì sốc phản vệ sau khi tiêm văcxin viêm gan B. Những ngày sau đó, TP HCM còn ghi nhận thêm 3 em bé bị sốc phản vệ nhưng không có trường hợp nào nguy kịch. Ngày 20/7, sau khi cùng tiêm văcxin viêm gan B, 3 em bé sơ sinh ở Bệnh viện đa khoa huyện Hướng Hóa, Quảng Trị, tím tái, lịm dần rồi qua đời. Hiện chưa có kết luận chính thức nguyên nhân tử vong, đoàn công tác của Bộ Y tế tạm cho rằng các cháu bị sốc phản vệ chưa rõ nguyên nhân. Các chuyên gia đánh giá sự việc này là đáng lo, hiếm thấy. Một ngày sau đó, một em bé ở Bình Thuận cũng tử vong sau khi tiêm văcxin này. Sở Y tế tỉnh cho rằng có khả năng nguyên nhân bé mất không liên quan đến văcxin B vì tai biến xảy ra nhiều tiếng đồng hồ sau khi chích ngừa. |
Nhóm phóng viên