![]() |
Hoàng Linh tự bào chữa trước tòa. |
Với một vẻ mặt chán chường, bước ra vành móng ngựa tự bào chữa cho mình, Hoàng Linh phủ nhận toàn bộ lời khai tại cơ quan điều tra, và sau đó rút luôn cả lời khai của mình ở các phiên xử trước trong vụ án này.
Hoàng Linh nói: “Cáo trạng và kết luận điều tra chủ yếu dựa vào 4 văn bản gồm: bản tự khai, bản cung, bản cam kết và thư cảm ơn. Bản tự khai của tôi phải khai theo chỉ dẫn của các điều tra viên, nếu khai không đúng theo ý của họ, họ đều xé bỏ, bắt khai lại. Bản cung cũng vậy, và đều bị hỏi vào lúc 12h đêm, nhưng khi ký vào biên bản, công an đều ghi hỏi lúc 8h sáng. Các điều tra viên còn ép tôi phải viết bản cam kết là lời khai của tôi không phải do bị ép cung, hù dọa… Sau đó còn ép tôi viết thư cảm ơn đến các cơ quan tiến hành tố tụng”. Hoàng Linh diễn tả: “Trong phòng hỏi cung, một cán bộ điều tra đã nói với tôi: ông từng viết bài bênh vực cho con nhỏ bán vé số và đánh công an Tiền Giang. Nay ông đã lọt vào tay chúng tôi, nếu không khai đúng ý, chúng tôi sẽ treo ông lên. Anh ta diễn tả việc treo lên rất ghê rợn và nói lại đến 6-7 lần, tôi không thể tả nổi tại đây”.
Hoàng Linh sau đó rút luôn lời khai của mình tại phiên tòa này là có nhận của Năm Cam 50 triệu đồng và 8 chỉ vàng. Linh nói: “Tại tòa tôi phải khai như vậy là vì có một điều tra viên đã bắt ép tôi phải khai khớp với lời của Năm Cam về Nguyễn Mạnh Trung, Dương Minh Ngọc, Bùi Quốc Huy và Nguyễn Quang Thắng. Các lời khai khác của tôi về các quan chức đó đều do áp đặt và bị ép cung”.
Về lời buộc tội “vì tiền mà đánh mất sự trung thực”, Hoàng Linh cãi: “Tôi làm báo hơn 10 năm và có hàng ngàn tác phẩm báo chí, nhưng chưa có ai chứng minh được một tác phẩm báo chí nào của tôi không trung thực, chưa có ai nêu ra được một bài nào tôi viết vì tiền”.
Cuối cùng Hoàng Linh nói: “Trong lúc còn công tác, tôi có rất nhiều mối quan hệ với các quan chức và việc này đã trở thành bi kịch cho tôi khi các quan chức này vi phạm pháp luật. Tôi phải viết những sai phạm của họ lên mặt báo mặc dù họ là bạn. Đa số bị cáo cho rằng ra tòa vụ này là tủi nhục nhưng tôi lại thấy hết sức may mắn. Bởi nếu tôi không bị ra đây, tôi không biết sinh mạng của mình sẽ ra sao”.
Sáng 14/5, bị cáo Trần Lệ Nguyên (Giám đốc Công ty thực phẩm Kinh Đô) xin được trình bày những điểm xoay quanh mối quan hệ với Trương Văn Cam. Theo bị cáo Nguyên, lời khai của Năm Cam trong phiên toà không đúng với lời khai trong biên bản đối chất vào tháng 9/2002 tại CQĐT Công an Tiền Giang. Khi đó, Năm Cam khai rằng, do Nguyên nể tình anh Năm nên mới đến sòng bạc 780 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3 để chơi, chứ không phải tự đến như lời của Năm Cam tại toà. Ngoài ra, Năm Cam còn nói có quan hệ thân thiết với Trần Lệ Nguyên, thể hiện khi cha Lệ Nguyên mất có đến nhà chia buồn. Bị cáo Nguyên cho rằng: “Lời khai đó hoàn toàn bịa đặt vì cha bị cáo đã mất năm 1982, lúc đó bị cáo còn là một học sinh, làm sao biết được Năm Cam là ai…”. Hơn nữa, bị cáo Nguyên cũng xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt vì: “Đã nhiều lần bị cáo muốn ra tố giác Năm Cam với cơ quan pháp luật nhưng vì doanh nghiệp và sợ vào thế lực của Năm Cam nên không dám. Sau khi biết chuyên án Năm Cam được mở ra, bị cáo đến đầu thú tại Công an TP HCM là nhờ vào sự động viên khích lệ của gia đình cũng như lời kêu gọi của Thiếu thướng Nguyễn Việt Thành (Trưởng ban chuyên án Năm Cam). Bị cáo rất ăn năn hối hận”.
Các bị cáo phạm tội tổ chức đánh bạc, đánh bạc hoặc gá bạc khi được bào chữa bổ sung hoặc tự bào chữa đều cúi đầu nhận tội và tỏ vẻ ăn năn hối lỗi. Đa số đều nói trong nghẹn ngào, nước mắt rưng rưng và mong HĐXX xem xét đến hoàn cảnh gia đình, nguyên nhân phạm tội và bản thân thiếu ý thức pháp luật… mà cho hưởng mức hình phạt nhẹ hơn.
Riêng bị cáo Nguyễn Văn Lý phạm tội đánh bạc, khi tự bào chữa đã bác toàn bộ lời khai nhận tội cũng như cáo buộc của Viện kiểm sát. Bị cáo Lý cho rằng mình đã bị ép cung tại CQĐT nên mới nhận để được yên thân: "Lúc đó bị cáo đang trốn ở Campuchia (vì bị truy tố tội tàng trữ ma tuý) thì làm sao phạm tội đánh bạc được, bị cáo đã khai điều này tại CQĐT rồi”. Bị cáo Lý cũng là người đầu tiên bị chủ tọa nhắc nhở nhiều lần nhưng vẫn kể nhiều chuyện không dính đến tội đánh bạc. Ví dụ như Nguyễn Văn Lý nói về việc trước hôm khai mạc phiên toà, trên đường từ Tiền Giang về TP HCM: “Bị cáo ngồi chung xe với Hồ Việt Sử và Trần Văn Thuyết, bị cáo nghe Sử nói với Thuyết là anh Hiệp (Hiệp “Phò Mã”) nhắn khi ra toà phải khai là đưa cho ông Kế (Triệu Quốc Kế - Cục trưởng Cục CSĐT) 5.000 USD để nhẹ tội…”. Chủ tọa ngắt lời vì cho rằng đây là phần bào chữa bổ sung, còn những lời khai thì sẽ tiến hành tại CQĐT.
Ngày 15/5 các bị cáo tiếp tục phần tự bào chữa của mình.
Tiêu Phong - Nghĩa Phương