Hôm 3/5, đoàn nghiên cứu thứ 16 ở trạm Concordia bắt đầu trải qua thời kỳ mùa đông ở Nam Cực. Sau khi Mặt Trời lặn, 12 thành viên trong đoàn sẽ sống trong bóng tối suốt hàng tháng trời. Đó là vì trạm nghiên cứu Concordia nằm ở mũi cực nam của Trái Đất, nơi chỉ có hai mùa là mùa hè và mùa đông. Vào mùa hè, Mặt Trời không lặn trong khi mùa đông, Mặt Trời không mọc. Do đó, các thành viên ở trạm sẽ phải sống thiếu ánh sáng Mặt Trời trong 4 tháng.
Theo ESA, Concordia là một trong 3 trạm nghiên cứu vận hành quanh năm ở giữa dải băng Nam Cực. Ngoài nghiên cứu sông băng, các nhà khoa học cũng tới Nam Cực để tìm hiểu thiên thạch bởi số thiên thạch ở đây bằng tất cả những nơi khác trên thế giới cộng lại. Việc xác định vị trí thiên thạch cũng dễ hơn nhiều vì Nam Cực được bao phủ bởi tuyết nên có thể bảo quản hiệu quả mẫu vật.
Với nhiệt độ có thể hạ xuống -80 độ C, các nhà nghiên cứu cũng sử dụng Nam Cực để chuẩn bị cho những nhiệm vụ không gian tương lai. Ví dụ, NASA từng thử nghiệm robot ở Nam Cực do điều kiện hoang mạc tương tự sao Hỏa. Trong khi đó, ESA sử dụng trạm nghiên cứu Concordia làm mô hình cho các ngoại hành tinh.
Do điều kiện khắc nghiệt trong vùng, những nhà khoa học còn tới trạm để nghiên cứu tâm sinh lý con người, do mọi người thường trải qua cảm giác cô lập và mất cảm giác. Ngoài ra, môi trường không có ánh sáng Mặt Trời trong nhiều tháng liền cũng là cơ hội để nhà khoa học nghiên cứu ảnh hưởng của chuyến bay vũ trụ đối với phi hành gia.
An Khang (Theo IB Times)