Dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố thi sĩ (22/2/1922), nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành cuốn Hoàng Cầm Về kinh Bắc, gồm tập thơ Về Kinh Bắc của ông cùng các bài viết của Hoàng Hưng, Nguyễn Thụy Kha, Đỗ Lai Thúy, Chu Văn Sơn, Phạm Xuân Nguyên, Trần Thanh Cảnh, Nguyễn Đức Tùng, Lê Thị Thanh Tâm, Lê Hồ Quang. Sách in kèm một số tác phẩm hội họa, âm nhạc và tư liệu quý về thi sĩ.
Về Kinh Bắc được in lần đầu năm 1994, gồm 51 bài thơ chia thành tám phần: Khấn nguyện, Kiếp trước, Rũ bụi gia phả, Rồi cùng đi tất cả, Còn em, Điểm trang, Rồi lại đi, Về với ta, theo thể lục bát, ngũ ngôn và tự do. Trong một bài phỏng vấn năm 2006, Hoàng Cầm nói tập thơ là tác phẩm ưng ý nhất của ông, chứa đựng tất cả đặc điểm, tính chất và linh hồn thơ Hoàng Cầm. Trong cuốn sách, ông trở về tâm tư, thế giới riêng của mình, với quê hương Kinh Bắc cổ kính mà gần gũi, với những người đã khuất bóng nhân gian nhưng mãi hiện diện trong tâm hồn ông. Nhà thơ Hoàng Hưng nhận định: "Tác phẩm toàn bích và cũng nổi tiếng nhất của ông vì gắn với những huyền thoại về cuộc đời, nghiệp thơ, phận thơ, mệnh thơ của tác giả".
Trong lời đề từ, Hoàng Cầm kể năm 1959, khi chiếc lá bàng đầu tiên rụng báo thu về, tâm hồn ông cứ chìm dần trong ký ức tuổi thơ năm 12 tuổi. Về Kinh Bắc vì thế giống một cuộc hành hương trong tâm tưởng thi sĩ, như hai câu ông viết trong bài Đêm thổ: "Cúi lạy mẹ con trở về Kinh Bắc. Chiều xưa giẻ quạt voi lồng". Tập thơ tái hiện một cách ý vị và lãng mạn những câu chuyện về mẹ ông, về tình cảm thơ ngây với người hàng xóm hơn ông tám tuổi. Những buổi đánh tam cúc, đi chơi vườn ổi, ngắm ngọn sông Thương, đố lá diêu bông... từ đó đi vào thơ Hoàng Cầm một cách tự nhiên.
Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha, người tuyển chọn cuốn sách, ví thơ Hoàng Cầm như một điệu quan họ: "Vọng lại một đời sống đã vắng xa của vùng Kinh Bắc. Nhay nhức mãi những tình yêu như hư ảo, quá khứ của dân tộc. Đấy là giai điệu, nhịp điệu thơ Hoàng Cầm. Hoàng Cầm là một nghệ sĩ quan họ. Ông vừa là sự kết tinh, vừa là sự biểu hiện văn minh Kinh Bắc".
Thơ Hoàng Cầm kết tinh từ vốn sống, vốn hiểu biết dày dặn về Kinh Bắc, được hun đúc bởi một tâm hồn mộng mơ và hồn nhiên.
Trong ký ức của nhà thơ Nguyễn Thụy Kha, thi sĩ luôn lãng mạn, đáng yêu như trẻ nhỏ. Nhà thơ Đỗ Anh Vũ kể năm 1993, khi thực hiện bộ phim tài liệu về Hoàng Cầm tại quê hương ông ở Thuận Thành (Bắc Ninh). Xe vừa đỗ ở ven sông Đuống, Hoàng Cầm chạy ùa ra, lăn cả người xuống triền đê. Sau này, ông có nhiều chuyến thực tế ở các vùng miền khác của Tổ quốc nhưng không sáng tác được nhiều bài ưng ý. Dường như bút lực, trí lực của thi sĩ đã dồn hết cho cội nguồn Kinh Bắc.
Hoàng Cầm sinh ra ở làng Lạc Thổ, nay là xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh, nơi được coi là trung tâm Kinh Bắc xưa. Vùng văn hóa một thời ngày nay là toàn bộ tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và một phần nhỏ của Lạng Sơn, Hưng Yên, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên - nôi của nghệ thuật chèo, quan họ, nhiều câu thành ngữ, tục ngữ, đồng thời lưu giữ nhiều chùa chiền, di tích lịch sử. Hồn thơ Hoàng Cầm được hun đúc qua câu ca của mẹ, những buổi hội hè.
Yêu quê hương là vậy nên khi nghe tin quân Pháp chiếm đánh Bắc Ninh năm 1948, ông đau đáu cả đêm, không ngủ được và viết Bên kia sông Đuống. Những câu thơ êm dịu, nhẹ nhàng nhưng chất chứa nỗi niềm của một người yêu quê, yêu nước. Hoàng Cầm từng kể sáng hôm sau, khi đọc bài thơ cho nhà văn Nguyên Hồng, bạn ông khóc nức nở vì cảm động.
"Em ơi buồn làm chi
Anh đưa em về sông Đuống
Ngày xưa... cát trắng phẳng lỳ"
Trong buổi giao lưu ra mắt cuốn Về Kinh Bắc Hoàng Cầm ở TP HCM hôm 21/2, nhạc sĩ Trần Tiến kể lại câu chuyện về "thi sĩ mộng mơ". Năm 1990, ông đang cố hoàn thành bài hát Sao em nỡ vội lấy chồng để tuyên truyền công tác kế hoạch hóa gia đình. Trong lúc đang cạn tứ, ông được nhà thơ Thu Bồn đọc cho nghe bài Lá diêu bông của Hoàng Cầm. Nhạc sĩ nhờ vậy tìm được hình ảnh lá diêu bông cho ca khúc dang dở.
Khi Trần Tiến mời nhà thơ đến dự buổi nhận giải thưởng cho ca khúc, trên sân khấu, Hoàng Cầm nhìn Trần Tiến bằng đôi mắt "ngơ ngác, hồn nhiên, không tính toán". Ông cho rằng đàn em chỉ dùng ba chữ "lá diêu bông" chứ không phổ thơ mình. Trần Tiến khi ấy nói: "'Anh, ba chữ 'lá diêu bông' đủ để nhiều người sống trọn đời trong ký ức với một chiếc lá, đủ thắp lên trong tâm hồn những đứa trẻ của thế hệ sau này ý niệm về sự mộng mơ. Nếu hồn nhiên, trẻ dại bỏ ta đi rồi thì chẳng có lý do gì thi ca, nhạc họa ở lại cả. Anh thắp cho thế hệ sau một mộng mơ không có thật nhưng đáng sống"'. Sau này, khi Trần Tiến đến các vùng, miền khác nhau, nhiều khán giả đề nghị dẫn ông đi tìm lá diêu bông thật, nhưng nhạc sĩ từ chối: "Tôi sống bằng sự mộng mơ mà anh Hoàng Cầm gieo lại, không dại gì biến nó thành sự thật".
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhận định Hoàng Cầm là thi sĩ đặc biệt: "Những lớp bụi thời gian phủ lên những tác phẩm giá trị như thơ Hoàng Cầm sẽ được gạt ra để hiển lộ vẻ đẹp đích thực. Ngay cả trước những khó khăn, phức tạp và nghịch cảnh, nhà thơ vẫn sống và viết một cách thuần khiết nhất".
Hoàng Cầm, tên thật là Bùi Tằng Việt, sinh ra trong một gia đình nhà Nho nghèo sống bằng nghề làm thuốc Đông y. Ông làm thơ từ năm lên tám, chín tuổi, bắt đầu được in từ những năm 1936-1937. Bút danh Hoàng Cầm xuất phát từ tên của một vị thuốc quý.
Những năm kháng chiến, Hoàng Cầm gia nhập quân đội, chuyên hoạt động trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật. Năm 1957, ông là một trong số những hội viên tham gia sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam. Sau đó, ông tham gia nhóm Nhân văn Giai phẩm và thôi công tác tại Hội Nhà văn.
Một số tác phẩm chính trong sự nghiệp sáng tác của ông gồm: Bên kia sông Đuống (thơ, 1948), Về Kinh Bắc (tập thơ, 1959), Men đá vàng (truyện thơ, 1973), Mưa Thuận Thành (tập thơ, 1987)... Ông được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học Nghệ thuật năm 2007 cho ba tuyển tập Bên kia sông Đuống (1993), Lá diêu bông (1993), 99 tình khúc (1995). Thi sĩ qua đời năm 2010 vì bệnh tuổi già.
Hà Thu