Động thái này được đưa ra để VKSND Tối cao có thời gian xem xét đơn đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm vụ án ly hôn giữa bà Diệp Thảo (46 tuổi) và ông Đặng Lê Nguyên Vũ (48 tuổi, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nguyên). Quyết định tạm hoãn thi hành án đã được tống đạt cho các cơ quan tố tụng và các đương sự.
Phía bà Diệp Thảo từ chối đưa ra lý do đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, lúc này. Trong khi đó, luật sư của ông Vũ cho biết đã thi hành gần hết bản án phúc thẩm của TAND Cấp cao trước đó, cụ thể là đã nộp hơn 1.220 tỷ đồng cho cơ quan thi hành án.
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo. Ảnh: Nguyễn Thành. |
Bà Thảo đơn phương xin ly hôn năm 2015, sau nhiều năm mâu thuẫn gay gắt với chồng. 10 lần hòa giải bất thành, cuối tháng 3/2019, TAND TP HCM xử sơ thẩm, chấp thuận họ ly hôn. Tòa ghi nhận sự thỏa thuận của hai bên về việc giao con cho bà Thảo nuôi, tiền cấp dưỡng, chia bất động sản. Đối với tài sản còn lại, tòa tuyên ông Vũ được sở hữu 60%, nắm quyền điều hành Trung Nguyên và trả tiền cho bà Thảo đối với cổ phần bà sở hữu. Bản án này bị cả hai bên phản đối, VKS kháng nghị.
Tháng 12 năm ngoái, TAND Cấp cao tại TP HCM xử phúc thẩm, cho bà Thảo và ông Vũ ly hôn. Ghi nhận sự thỏa thuận của các đương sự giao cho bà Thảo nuôi 4 người con, ông Vũ cấp dưỡng mỗi năm 10 tỷ đồng, tính từ năm 2013 đến khi các cháu học xong đại học.
Đối với tài sản tranh chấp, tòa phúc thẩm giao ông Vũ sở hữu toàn bộ cổ phần chung của hai vợ chồng trong các công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên - tương đương 5.365 tỷ đồng. Ông Vũ có quyền liên hệ Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh để thay đổi tên người sở hữu các công ty – tức ông Vũ tiếp tục giữ quyền điều hành Tập đoàn Trung Nguyên.
Đối với 13 bất động sản, tòa ghi nhận sự thoả thuận của hai bên, giao cho ông Vũ sở hữu 6 nhà đất đang quản lý, trị giá hơn 350 tỷ đồng. Bà Thảo sở hữu 7 nhà đất trị giá hơn 375 tỷ đồng.
Bà Thảo tiếp tục sở hữu số tài sản hơn 1.700 tỷ đồng gồm tiền, vàng, ngoại tệ tại các ngân hàng. Sau khi cấn trừ, ông Vũ có nghĩa vụ thanh toán cho bà Thảo thêm 1.220 tỷ đồng.
Ông Vũ trong phiên tòa phúc thẩm cuối năm ngoái. Ảnh: Hữu Khoa. |
Liên quan việc thi hành bản án có hiệu lực, luật sư Phùng Thị Ngọc Huyền (Đoàn luật sư TP HCM) cho biết, Khoản 1 Điều 36 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự số 26/2008/QH12 năm 2014 chia làm hai trường hợp là thi hành án chủ động và thi hành án theo yêu cầu.
Vụ án ly hôn giữa bà Thảo và ông Vũ thuộc trường hợp thi hành án theo yêu cầu và bà Thảo là bên được thi hành án. Tức là, khi bà Thảo có đơn yêu cầu thi hành án thì cơ quan thi hành án mới có căn cứ để thi hành. Trường hợp bà Thảo chưa có đơn yêu cầu, ông Vũ có chủ động thi hành án thì cơ quan thi hành án sẽ lập biên bản ghi nhận sự tự nguyện của ông Vũ và ra văn bản mời bà Thảo lên nhận (2 lần). Nếu bà Thảo không đến nhận, tiền tự nguyện thi hành án của ông Vũ sẽ được gửi vào kho bạc Nhà nước cho đến khi bên được thi hành án có yêu cầu.
Về phía cơ quan có thẩm quyền, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có quyền ra quyết định hoãn thi hành án khi các cơ quan tố tụng có công văn về việc kháng nghị hoặc giám đốc thẩm bản án đã có hiệu lực.
Hải Duyên