Cuối tháng 11/2024, Quốc hội quyết nghị tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận sau 8 năm tạm dừng. Theo kế hoạch của Chính phủ hồi cuối 2009, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận gồm hai nhà máy Ninh Thuận 1 và 2, tổng công suất 4.000 MW (2x2.000 MW).
Tại chỉ thị 01 ngày 3/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ trưởng Công Thương chỉ đạo triển khai, hoàn thành công tác đầu tư dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận trong 5 năm.
Trước đó, tại họp báo đầu tháng 12/2024, Thứ trưởng Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết cơ quan này đã tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng về việc thành lập Ban chỉ đạo và Tổ công tác để tiếp tục khởi động chương trình điện hạt nhân tại Việt Nam.
Hiện hành lang pháp lý cơ bản đầy đủ cơ sở để triển khai dự án này. Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thông qua Luật Điện lực sửa đổi, trong đó có nội dung về phát triển điện hạt nhân. Hệ thống pháp luật khác liên quan đến đầu tư, xây dựng, an toàn, bảo vệ môi trường... cũng đủ cơ sở để thực hiện. Thời gian tới, Chính phủ dự kiến báo cáo Quốc hội để sửa Luật năng lượng nguyên tử với các nội dung liên quan tới phát triển nguồn năng lượng này. Ngoài ra, để có thể triển khai được, Bộ Công Thương sẽ sớm trình các cơ quan có thẩm quyền để sửa Quy hoạch điện VIII.
Trong quá trình chuẩn bị công tác đầu tư, việc lựa chọn chủ đầu tư là một nội dung quan trọng. Đây sẽ là chủ thể triển khai toàn bộ quá trình, từ nghiên cứu, đề xuất, xây dựng và vận hành nhà máy điện. Liên quan tới địa phương, Bộ này đã đề nghị lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận nghiên cứu, sớm tạo điều kiện có mặt bằng sạch, sự đồng thuận của người dân cho dự án.
Điện hạt nhân là nguồn điện nền, xanh và bền vững. Do đó, phát triển nguồn điện này giúp đa dạng nguồn cung, bảo đảm an ninh năng lượng và chuyển dịch năng lượng xanh, đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào 2050 theo cam kết tại COP26.
Trong đó, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, theo Thủ tướng, là "nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng" trong kỷ nguyên mới, chuyển đổi số, phát triển công nghệ cao.
Năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 8%, làm nền tảng để đạt mức tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026-2030. Với mức tăng trưởng này, điện năng phải tăng trưởng gấp 1,5 lần, 6, tức là mỗi năm cần bổ sung 8.000-10.000 MW điện. Trong khi đó, việc triển khai các dự án nguồn điện còn nhiều vướng mắc. Giai đoạn 2021-2025, phát triển nguồn điện dự kiến chỉ đạt 56,7% so với kế hoạch. Việc này tiềm ẩn nguy cơ thiếu điện trong giai đoạn tới.
"Đây là thách thức lớn, do đó cần có giải pháp nhanh phát triển nguồn, đặc biệt nguồn điện sạch", Thủ tướng đánh giá.
Để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng, Thủ tướng yêu cầu tuyệt đối không được để thiếu điện. Ngành điện không được để xảy ra tình trạng các dự án, công trình ách tắc do chậm xử lý thủ tục hành chính. Ông giao Bộ trưởng Công Thương tăng kiểm tra, giám sát, theo dõi diễn biến nhu cầu điện và các yếu tố phát sinh để báo cáo.
Bộ Công Thương nghiên cứu điều chỉnh Quy hoạch điện VIII phù hợp nhu cầu. Cơ quan này cập nhật, bổ sung các dự án nguồn điện mới, nguồn điện xanh, sạch, loại bỏ, thay thế các dự án chậm tiến độ, không phù hợp. Họ cũng phải chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, cấp bách với các dự án nguồn điện LNG, thủy điện, nhiệt điện, điện hạt nhân Ninh Thuận.
Các tập đoàn năng lượng gồm Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (TKV) tăng tiến độ đầu tư các dự án điện, đảm bảo nhiên liệu cung ứng năng lượng.
Cụ thể, PVN gấp rút thi công Nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4, để hoàn thành vào tháng 6. Cùng đó, các dự án tái khởi động thi công nhà máy nhiệt điện Long Phú I, Chuỗi dự án điện Lô B - Ô Môn, chuỗi dự án khí - điện Cá Voi Xanh cũng phải đẩy tiến độ. Ngoài ra, PVN cần sớm hoàn thành nghiên cứu để triển khai dự án điện gió ngoài khơi thí điểm trong năm 2025.
Chủ tịch UBND các tỉnh có dự án, công trình điện được yêu cầu xử lý các thủ tục liên quan đến đất rừng, đất lúa, đặc biệt với các dự án trọng điểm, cấp bách.
Phương Dung