Ngày 24/10, Binh chủng Hóa học công bố hoàn thành xử lý hiện trường đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So bằng phương pháp chôn lấp cô lập và phân hủy sinh học. Đơn vị đã hoàn thổ, trồng cây, san mặt bằng hố chôn và bàn giao đất sạch cho địa phương.
Dự án xử lý đất nhiễm dioxin tại sân bay A So được thực hiện từ năm 2020 với kinh phí 70 tỷ đồng. Công nghệ chôn lấp cô lập từng được Bộ Tư lệnh Hóa học thực hiện trong dự án xử lý dioxin tại hai sân bay Phù Cát (Bình Định), Biên Hòa (Đồng Nai), mang lại kết quả tốt. Chất độc được cách ly hoàn toàn, không ảnh hưởng sức khỏe con người và môi trường sinh thái.
Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Quốc phòng - Trưởng Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam, đánh giá dự án hoàn thành có ý nghĩa rất quan trọng. "A So từ điểm nóng về chất độc dioxin đã được trả lại môi trường trong sạch, tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế xã hội", ông nói.
Sân bay A So nằm ở xã Đông Sơn, huyện A Lưới, cách trung tâm TP Huế khoảng 100 km. Trong chiến tranh, từ những năm 1960, Mỹ sử dụng A So làm sân bay dã chiến nhằm tăng cường tiềm lực, khả năng quân sự, mục đích khống chế hành lang chiến lược phía tây dãy Trường Sơn. Nơi đây cũng là trạm trung chuyển chứa chất độc hóa học để không quân Mỹ mang đi phun rải ở miền Trung.
Từ tháng 8/1965 đến 12/1970, huyện A Lưới với trọng điểm sân bay A So là một trong những nơi bị Mỹ rải chất độc da cam/dioxin nhiều nhất.
Theo thống kê, A So hứng chịu khoảng 11 kg dioxin, diện tích ô nhiễm 5 ha, chiều sâu trung bình 0,7 m. Tổng khối lượng trầm tích cần xử lý 35.000 m3, trong đó 6.600 m3 đất nhiễm có nồng độ trên 200ppt, mức độ rất nặng.
Sau chiến tranh, tỉnh Thừa Thiên Huế có gần 16.000 người bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, riêng huyện A Lưới khoảng 5.000.
Võ Thạnh