Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 9, khóa XII trong chiều 26/12, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, sau khi nghiên cứu và thảo luận về Tờ trình, Báo cáo, các tài liệu có liên quan về nhân sự quy hoạch, Trung ương đã ghi phiếu và bỏ phiếu kín giới thiệu nhân sự quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương nhiệm kỳ 2021-2026.
Theo Tổng bí thư, trên cơ sở kết quả giới thiệu Ban Chỉ đạo và các cơ quan chức năng có liên quan cần rà soát, thẩm định kỹ trước khi trình Bộ Chính trị quyết định.
Bộ Chính trị phải thường xuyên kiểm tra, giám sát với những cán bộ đã vào quy hoạch; nếu phát hiện sai phạm, không đủ tiêu chuẩn phải kịp thời đưa ra khỏi quy hoạch.
Mặt khác, Bộ Chính trị cần tiếp tục phân tích kỹ chất lượng, cơ cấu, thành phần trên các lĩnh vực để kịp thời phát hiện, giới thiệu bổ sung quy hoạch, trình Trung ương xem xét ở các hội nghị sau.
Trung ương một lần nữa nhấn mạnh và khẳng định, cán bộ và công tác cán bộ có vị trí quan trọng hàng đầu; là nhân tố quyết định thành bại của cách mạng. Việc quy hoạch cán bộ là khâu mở đầu, bảo đảm cho công tác cán bộ đi vào nền nếp, chủ động, có tầm nhìn xa, đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài.
"Trung ương đồng tình cao việc Bộ Chính trị trình Trung ương tại Hội nghị này chỉ cho ý kiến về quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương nhiệm kỳ 2021-2026 với tinh thần là phải làm từng bước, từng việc, chắc chắn, chặt chẽ, công phu. Quy hoạch xong Ban Chấp hành Trung ương mới làm quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sau đó mới đến các chức danh chủ chốt", Tổng bí thư, Chủ tịch nước nói.
Để chuẩn bị nội dung trình Hội nghị Trung ương, Bộ Chính trị đã thành lập Ban Chỉ đạo gồm một số Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Tổ giúp việc cho Ban Chỉ đạo cũng được lập ra gồm một số Ủy viên Trung ương và cán bộ của các ban đảng.
Trên cơ sở gần 250 nhân sự được các địa phương, cơ quan, đơn vị giới thiệu, Ban Chỉ đạo đã chủ trì việc rà soát và đề cử 200 người vào danh sách quy hoạch Ban chấp hành Trung ương khóa tới.
>> Xem thêm: Bốn bước quy hoạch nhân sự từ cơ sở