Thủ tướng trực tiếp kiểm tra hiện trường và nghe báo cáo của Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, đại diện nhà thầu Taisei. Ông chỉ rõ, nguyên nhân vụ sập nhịp dẫn đang được điều tra, tuy nhiên, qua đó cho thấy sự yếu kém trong khâu quản lý nhà nước, xây dựng cơ bản, thi công công trình, an toàn lao động. Chính phủ, Thủ tướng nghiêm túc tự phê bình, nhận khuyết điểm với đồng bào.
Hiện trường vụ sập cầu. Ảnh: P.V. |
Chính phủ đã thành lập Ủy ban quốc gia điều tra sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ. Theo Thủ tướng, Ủy ban này phải tập trung điều tra, làm rõ nguyên nhân về tai nạn, xác định rõ trách nhiệm của từng đơn vị để có biện pháp xử lý thích hợp về kinh tế và hình sự theo đúng pháp luật của Việt Nam và thông lệ quốc tế. Trong thời gian 1 tháng, Ủy ban này phải tìm ra được nguyên nhân, đề xuất các phương án khắc phục.
Trong khi chờ đợi kết quả điều tra, Thủ tướng chỉ đạo tạm dừng thi công gói thầu số 2 (toàn bộ phần cầu Cần Thơ). Sau khi đã xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm, bảo đảm thật sự an toàn nhà thầu mới được tiếp tục thi công. Ban quản lý dự án và liên danh các nhà thầu cần xây dựng ngay các phương án khả thi nhất để sau khi Ủy ban quốc gia công bố kết luận có thể bắt tay ngày vào việc tiếp tục xây dựng công trình.
Cũng trong sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến chia buồn cùng gia đình của những công nhân đã tử nạn tại xã Mỹ Hòa, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long.
Sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ là thảm họa xây dựng cầu lớn nhất từ trước đến nay ở Việt Nam với 53 người tử nạn, 1 người mất tích và 80 người khác bị thương. Thiệt hại do vụ sập cầu lên tới hàng chục tỷ đồng.
Điều 229 Bộ luật Hình sự quy định về tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, người nào vi phạm quy định về xây dựng trong các lĩnh vực khảo sát, thiết kế, thi công, sử dụng nguyên liệu, vật liệu, máy móc, nghiệm thu công trình hay các lĩnh vực khác, gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác thì bị xử lý về tội này. - Mức phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm. - Người phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm. - Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 8 năm đến 20 năm. - Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm. |
Minh Tuấn