Thông tin chính thức được Vinashin công bố tại buổi họp báo tối 10/10, ngay sau cuộc điện đàm với Trung tâm lưu ký chứng khoán New York để phát hành trái phiếu dưới dạng chứng chỉ lưu ký toàn cầu có bảo lãnh Chính phủ, tái cấu trúc khoản vay 600 triệu USD năm 2007. Tham gia cùng Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy trong lần đàm phán này còn có Công ty Mua bán nợ và Tài sản tồn đọng của Bộ Tài chính (DATC) và các bên tư vấn.
Theo thông tin được Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinashin - Nguyễn Ngọc Sự côn bố tại họp báo, các nghĩa vụ của Vinashin theo hợp đồng vay cũ (tổng giá trị 626 triệu USD) sẽ được hoán đổi lấy trái phiếu do DATC phát hành có thời hạn 12 năm, lãi suất 1% một năm, thanh toán cả gốc và lãi một lần vào thời gian đáo hạn. "Toàn bộ khoản trái phiếu này đã được lưu ký và ngày 11/10 sẽ chính thức niêm yết trên thị trường Singapore", lãnh đạo tập đoàn cho hay.
Chia sẻ cảm xúc sau khi giãn được khoản nợ then chốt trong "núi nợ khổng lồ" trị giá 70.000 tỷ đồng (khoảng 4 tỷ USD), lãnh đạo Vinashin và Bộ Tài chính cho biết đều cảm thấy rất "nhẹ nhõm". "Trong cả tháng vừa qua, chúng tôi rất mệt mỏi, căng thẳng khi đàm phán với chủ nợ để phát hành trái phiếu. Xử lý xong thấy nhẹ cả người", Chủ tịch Vinashin cho biết.
Liên quan đến kế hoạch thu xếp tài chính để trả nợ khi trái phiếu đến hạn, ông Sự cho hay sẽ dùng nguồn từ việc xử lý hơn 200 đơn vị trong tập đoàn và khi kinh doanh, Vinashin sẽ trích một số khoản thu vào quỹ tích lũy trả nợ. "Hy vọng sau 12 năm sẽ trích đủ để trả nợ", vị thuyền trưởng này cho biết.
Song, ông khẳng định phương án hoán đổi khoản nợ thành trái phiếu do DATC phát hành là "có lợi nhất cho Vinashin" bởi theo quy định "có vay có trả", đáng ra từ năm 2010 tập đoàn đã phải thanh toán 60 triệu USD tiền gốc và khoảng 5 triệu USD tiền lãi, song đến nay Vinashin mới trả 5 triệu USD và khi được tái cơ cấu, số còn lại sẽ được thanh toán sau 12 năm với lãi suất chỉ 1% một năm.
"Vinashin phải trả giá lúc đầu là uy tín giảm sút nhưng với việc tái cơ cấu xong khoản nợ này, tập đoàn sẽ lấy lại", ông Sự phát biểu. Sau sự kiện này, lãnh đạo Vinashin cũng quyết tâm trong quý IV/2013, chậm nhất quý I/2014 sẽ hoàn thành tái cơ cấu nợ, bắt đầu một giai đoạn mới với viễn cảnh tốt đẹp hơn.
Ông Phạm Thanh Quang - Tổng Giám đốc DATC nhận định, Vinashin vẫn là tập đoàn quan trọng với đất nước, với Chính phủ. Trong 6 lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của Việt Nam, đóng tàu vẫn là ngành chủ đạo, do vậy việc tái cấu trúc Vinashin là nhiệm vụ của bản thân tập đoàn và cũng là của Chính phủ, các bộ ngành liên quan. DATC là đơn vị phát hành trái phiếu, sau 12 năm, công ty có nghĩa vụ trả nợ. Vinashin phải kinh doanh để trả cho DATC để công ty có nguồn thanh toán cho chủ nợ quốc tế. Trường hợp Vinashin không trả nổi số nợ đó thì Chính phủ phải trả nợ thay, không thiếu một đồng cho các chủ nợ nước ngoài, ông Quang cho biết. |
Phương Linh