22h đêm 12/2, chuyến bay TK165 của hãng hàng không Thổ Nhĩ Kỳ cất cánh đưa 76 quân nhân Việt Nam tới thành phố Istanbul tham gia cứu trợ nhân đạo. "Trong các quân nhân tham gia nhiệm vụ, có người hai tuần nữa sẽ tổ chức cưới, nhưng vẫn xung phong đi cứu hộ, lấy việc hoàn thành nhiệm vụ làm quà kỷ niệm ngày cưới", thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Tổng tham mưu trưởng, Thứ trưởng Quốc phòng, nói khi tiễn đoàn công tác tại sân bay Nội Bài.
Người được nhắc đến là thượng úy Kiều Đức Toàn, một trong 30 thành viên đội Cứu sập, Binh chủng Công binh. Anh và hôn thê dự kiến tổ chức lễ cưới ngày 27/2, nhưng hai người đã thống nhất tạm hoãn. "Cứu người là quan trọng và không thể chờ đợi", thượng úy Toàn nói. Anh đồng thời nhận được nhiều sự động viên từ cả hai bên gia đình.
![Thượng úy Kiều Đức Toàn. Ảnh: TH Quân đội](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2023/02/12/7d561fd0-b789-495b-a3bc-f2fe8a-9836-8933-1676215018.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ncpp-GuYSlqev1fja_bwhg)
Thượng úy Kiều Đức Toàn. Ảnh: Truyền hình Quốc phòng Việt Nam
Chị Nguyễn Thị Yến, vợ sắp cưới của anh Toàn, cho biết từ lúc yêu đến khi quyết định gắn bó với một quân nhân, chị luôn ủng hộ để anh yên tâm công tác. Biết Thổ Nhĩ Kỳ rất lạnh, chị chuẩn bị thuốc men, đồ giữ ấm, dặn anh ăn uống đầy đủ để có sức khỏe thực hiện nhiệm vụ. "Tôi mong anh Toàn và đồng đội chân cứng đá mềm, cứu giúp được nhiều người dân đang gặp nạn. Ở nhà, tôi sẽ thay anh thăm bà, bố mẹ", chị Yến nói.
Ông Kiều Văn Trọng, bố của thượng úy Toàn, động viên con trai cố gắng làm tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và quân đội giao phó. "Hạnh phúc của bản thân có chậm đi đôi chút nhưng cứu người là trên hết. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ về, hai bên bố mẹ cùng đơn vị sẽ tổ chức lễ cưới cho các con", ông nói.
![76 cán bộ, chiến sĩ trong đoàn chụp hình lưu niệm trước khi lên đường. Ảnh: TH Quân đội](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2023/02/12/0dee65a4-802a-4259-a910-83bf0d-3255-2177-1676215018.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=XOfyZSgMgEv3EP3eSM8gfQ)
76 cán bộ, chiến sĩ trong đoàn chụp hình lưu niệm trước khi lên đường. Ảnh:Truyền hình Quốc phòng Việt Nam
Chuyến bay dự kiến kéo dài 11 tiếng, hạ cánh xuống TP Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ tối 13/2. Đoàn có 30 thành viên Đội Quân y, Tổng cục Hậu cần; 30 người Đội cứu sập, Binh chủng Công binh; 9 huấn luyện viên, 6 chó nghiệp vụ thuộc Đội chó nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng. Bộ phận chỉ huy có hai cán bộ Cục Cứu hộ - Cứu nạn, một cán bộ Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam. Tham gia đoàn còn có một phiên dịch của Cục Đối ngoại và ba phóng viên, biên tập viên.
Thành viên của Đội chó nghiệp vụ là lực lượng đặc biệt tinh nhuệ từng dự Army Games 2021; tham gia cứu hộ, cứu nạn tại thủy điện Rào Trăng; sạt lở ở Quảng Trị, Quảng Nam và chống dịch Covid-19.
Các chiến sĩ mang theo 42 tấn trang thiết bị chuyên dụng, hàng hóa đủ điều kiện thực hiện nhiệm vụ trong một tháng, gồm banh cắt weber điện để cắt phá kết cấu cứng; máy cưa và máy cắt cầm tay; hệ thống kích thủy lực; radar xuyên đất, camera đầu dò, phát hiện nhịp tim dưới các công trình sụp đổ.
Hành trang, thiết bị của quân nhân thuộc Binh chủng Công binh sang Thổ Nhĩ Kỳ. Video: Truyền hình Quốc phòng Việt Nam
Hôm 9/2, đoàn 24 chiến sĩ cứu hộ và nhân viên y tế của Bộ Công an đã bay sang Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ tìm kiếm nạn nhân mắc kẹt. Chiều tối 11/2, đội Việt Nam và Pakistan đã đưa được một thiếu niên ra khỏi đống đổ nát.
Hai trận động đất mạnh 7,8 và 7,5 độ hôm 6/2 đã khiến hơn 28.000 người ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria thiệt mạng. Lực lượng cứu hộ từ hàng chục quốc gia đang làm việc tại hiện trường để nỗ lực tìm kiếm những người sống sót mắc kẹt bên dưới đống đổ nát các tòa nhà, khu chung cư bị sập.