Vết thương dần lan rộng lên cẳng tay, cánh tay. Bệnh nhân không đến viện ngay mà dùng lá cây đắp vào vết cắn. Sau một ngày, cánh tay càng đau nhức hơn, tím đen lan rộng, anh mới đến khám tại Trung tâm Y tế huyện Bảo Lâm, chuyển đến Khoa Cấp cứu Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng, ngày 9/6.
Bệnh nhân mệt mỏi nhiều, đau nhức vùng cánh tay phải, toàn bộ cánh tay phải sưng to bầm tím, có đám hoại tử thâm đen, rỉ dịch hôi thối. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân hoại tử bàn cánh tay phải do rắn cắn ngày thứ 3, chỉ định mổ cắt lọc, giải tỏa chèn ép khoang.
Các bác sĩ cho rằng sai lầm trong sơ cứu khi bị rắn cắn là áp dụng kinh nghiệm dân gian, chỉ đến viện khi có các biểu hiện suy hô hấp (tím tái, co cơ, khó thở...) hoặc sưng nề hoại tử diện rộng. Bệnh nhân này đến viện muộn nên cánh tay đã hoại tử lan rộng.
Trong một tháng trở lại đây, Khoa Cấp cứu Bệnh viện đa khoa tỉnh đã tiếp nhận nhiều ca bị rắn cắn nhập viện trong tình trạng rất nặng. Các bác sĩ cảnh báo đang là mùa mưa - mùa sinh sôi phát triển của rắn. Khi bị rắn cắn, người dân không nên cố hút nọc độc tại vùng vết thương, không sử dụng các loại thuốc dân gian hoặc chữa bằng mẹo. Cách chữa này không những không hiệu quả mà còn làm mất thời gian vàng điều trị.
Bệnh nhân bị rắn cắn cần tới cơ sở y tế gần nhất để thăm khám, điều trị, ngăn chặn không cho nọc độc phát tán. Khi bị rắn cắn, phải bình tĩnh, hạn chế vận động. Càng vận động nhiều thì độc tố càng vào người nhanh. Nếu vết thương do rắn cắn gây liệt, phải băng ép chặt khu vực bị cắn, nhanh chóng đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế.