Trước đó, chị được tiêm vào mũi 2 ml filler, bằng một ống tiêm gắn kim dài, giá 2,4 triệu đồng. Quá trình tiêm, chị cảm giác tê vùng miệng, báo với nhân viên đang thực hiện thủ thuật và được giải thích "bình thường", tiếp tục tiêm. Vài giờ sau, vùng miệng sưng, bầm đỏ, cảm giác đau, tê. Ba ngày sau, tình trạng nặng hơn, chị quay lại spa, được tiêm thuốc giải nhưng vẫn không cải thiện, đến Bệnh viện Da iễu TP HCM khám.
Ngày 24/12, tiến sĩ, bác sĩ Trần Nguyên Ánh Tú (Phó Khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu TP HCM) cho biết bệnh nhân có biểu hiện hoại tử da vùng mũi do tiêm chất làm đầy. Nguyên nhân có thể do tiêm một lượng filler khá lớn vào vùng mũi trong cùng một thời điểm gây chèn ép mạch máu, hoặc tiêm không đúng kỹ thuật dẫn đến chất làm đầy đi vào lòng mạch gây thuyên tắc. Chưa kể, nếu nguyên tắc vô trùng hoặc chất lượng filler không đảm bảo, làm nặng thêm biến chứng.
Bệnh nhân điều trị bằng thuốc kháng sinh, kháng viêm và chăm sóc vết thương hàng ngày. Sau một tuần, tình trạng hoại tử da cải thiện đáng kể, tuy nhiên khi da lành sẽ để lại vết sẹo trên mũi, đỏ và hơi lõm.
Theo bác sĩ Tú, tiêm chất làm đầy ở vùng mũi là một kỹ thuật khó, đòi hỏi người thực hiện phải là bác sĩ được đào tạo bài bản, nhiều kinh nghiệm về tiêm chất làm đầy để tránh gây tai biến như tắc mạch, hoại tử da, loét da...
"Để tiêm chất làm đầy vùng mũi an toàn, tốt nhất người tiêm nên sử dụng cannula thay vì kim", bác sĩ Tú nói. Trường hợp này, trong quá trình tiêm, bệnh nhân đã báo bị tê vùng miệng nhưng người thực hiện không nhận ra đây là dấu hiệu chèn ép mạch máu, vẫn tiếp tục nên dẫn đến tai biến trầm trọng hơn.
Hầu như tháng nào bệnh viện cũng tiếp nhận vài trường hợp tai biến do tiêm chất làm đầy. Nhiều trường hợp tai biến nặng phải phẫu thuật để lấy hết filler ra, chi phí khá tốn kém và mất nhiều thời gian để phục hồi. Di chứng sau phẫu thuật có thể tạo sẹo xấu và mất mô da ảnh hưởng thẩm mỹ.
Tuần trước, Đơn vị Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ của bệnh viện cũng tiếp nhận bệnh nhân nữ ở Vũng Tàu bị biến chứng sưng to, bầm tím, chảy dịch do tiêm filler để làm đầy vùng hóp ở thái dương, tạo khuôn mặt trẻ trung, cân đối. Bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm trùng, áp xe. Nguyên nhân có thể do filler không đảm bảo chất lượng, hoặc do quá trình tiêm không được đảm bảo vô khuẩn tuyệt đối. Bác sĩ mổ, rạch tháo mủ, lấy ra rất nhiều filler, bơm rửa với chất vô khuẩn nhiều lần mới khâu vết thương lại.
Vài năm nay, filler được sử dụng phổ biến trong chuyên ngành da liễu, thẩm mỹ, giúp làm đầy các rãnh nhăn sâu vùng mặt, nâng mũi, hõm má, hõm thái dương, rãnh mũi má, tạo hình cằm, tạo hình môi, tạo khuôn mặt V-line...
Theo quy định của Bộ Y tế, người tiêm chất làm đầy bắt buộc phải là bác sĩ chuyên ngành da liễu, tạo hình thẩm mỹ, được đào tạo bài bản về tiêm chất làm đầy. Cơ sở thực hiện thủ thuật phải được cấp phép. Nếu tiêm sai kỹ thuật, sử dụng filler không rõ nguồn gốc và chất lượng, sẽ gây hậu quả nghiêm trọng.