Người này sau đó đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 điều trị, được bác sĩ phẫu thuật dẫn lưu mủ, nạo vét hoại tử, cắt lọc mô viêm, theo dõi tại Khoa Chấn thương Chi trên và Vi phẫu.
Trường hợp khác là người đàn ông 40 tuổi, ở Nam Định, bị tai nạn lao động, chấn thương tay. Sau đó, anh đến phòng khám tư tiêm thuốc giảm đau. Vài ngày sau, chỗ tiêm xuất hiện vết loét và chảy dịch vàng. Cả hai bệnh nhân đều không nêu thuốc được tiêm là loại gì.
Ngày 11/7, PGS.TS Nguyễn Ngọc Châu, Chủ nhiệm khoa Nội - Cơ Xương khớp, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho rằng nhiều người coi tiêm trực tiếp vào khớp là biện pháp chữa đau hiệu quả và ít tốn kém. Tuy nhiên, không ít trường hợp sau mũi tiêm thứ hai đã bị biến chứng nhiễm trùng, teo cơ, cứng khớp, mất chức năng vận động.
"Ngày càng có nhiều bệnh nhân nhập viện do biến chứng nhiễm trùng khớp, teo cơ, cứng khớp, loãng xương, suy tuyến thượng thận, mất chức năng vận động, tàn phế..., do lạm dụng tiêm thuốc vào khớp, nhất là corticoid", bác sĩ Châu nói.
Bác sĩ Châu cho biết có nhiều phương pháp điều trị bệnh lý khớp. Tiêm corticoid vào khớp là một trong những cách giảm đau nhanh và có thể phát huy tác dụng vài tuần tới vài tháng. Tuy nhiên, đây chỉ là một biện pháp trong cả liệu trình điều trị cho một số bệnh lý xương khớp. Phương pháp này bắt buộc phải có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Bệnh nhân đau khớp cần khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa, được chẩn đoán, điều trị đúng và đặc biệt là chỉ định tiêm đúng. Quá trình tiêm khớp phải đảm bảo vô khuẩn tốt (phòng tiêm, vị trí tiêm, dụng cụ tiêm).
"Tránh lạm dụng tiêm corticoid tại khớp để điều trị đau, không được tùy tiện đau đâu tiêm đấy, cứ đau là tiêm...", bác sĩ Châu cảnh báo.
An Ngọc