Suốt thời gian dài mắc bệnh trĩ, người phụ nữ chưa từng đi khám ở cơ sở y tế nào. Khoảng một tháng nay, trĩ sưng to, đau rát nên chị đắp thuốc nam. Sau 2 tuần, búi trĩ to hơn, có nhiều điểm tím đen, bệnh nhân mới đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 khám.
Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị trĩ hỗn hợp độ 4, hoại tử rộng vùng cơ hậu môn và tầng sinh môn. Bệnh nhân được cắt lọc búi trĩ hoại tử, làm hậu môn nhân tạo đại tràng sigma, sau đó tiếp tục điều trị ngâm rửa để chờ phẫu thuật tiếp theo.
Phó giáo sư Triệu Triều Dương, Viện trưởng Phẫu thuật tiêu hóa, cho biết bệnh nhân cần phải phẫu thuật nhiều lần mới hy vọng cải thiện một phần chức năng tự chủ của hậu môn. Di chứng sau điều trị có thể rất nặng nề như hẹp và rối loạn chức năng hậu môn.
Bệnh nhân trĩ thường kèm theo các bệnh lý vùng hậu môn trực tràng như sa sàn chậu, rò hậu môn, áp xe hậu môn, nứt kẽ hậu môn, u trực tràng, sa niêm mạc trực tràng, sa sinh dục, táo bón, són tiểu... Bệnh nhân cần được khám tổng thể để có phương án điều trị tốt nhất.
Các phương pháp điều trị trĩ phổ biến hiện nay như thắt trĩ bằng vòng cao su, khâu treo triệt mạch trĩ, cắt trí bằng các dụng cụ dao hàn mạch, dao siêu âm, laser, phẫu thuật cắt trĩ Longo... Sau phẫu thuật, bệnh nhân được hướng dẫn chế độ ăn uống, luyện tập vùng sàn chậu và theo dõi định kỳ kết hợp với bổ trợ bằng thuốc mới hy vọng khỏi bệnh.
Theo bác sĩ Dương, người mắc bệnh vùng hậu môn trực tràng, trong đó có bệnh trĩ, cần khám ở các cơ sở y tế chuyên về hậu môn - trực tràng để được chẩn đoán chính xác và điều trị tốt nhất. Không tự ý sử dụng thuốc nam, thuốc dân tộc không nguồn gốc, gây tiền mất tật mang.