Bệnh nhân cho biết khi tắm biển đã va phải sứa, sau đó ngứa, rát tay phải nhưng không đi khám. Một tuần sau, tình trạng ngứa rát, sưng, mẩn đỏ tăng lên, một số vị trí da ở cánh tay bị loét nên anh mới đến Bệnh viện Đa khoa Medlatec khám vào đầu tháng 7.
Bác sĩ Lê Thị Hường nhận định tình trạng của bệnh nhân khá nặng do vết thương để lâu ngày không được xử trí gây loét và hoại tử một phần.
Sứa có hai loại là sứa thường (còn được dùng làm thực phẩm) và sứa lửa. Sứa thường khi chạm vào cảm giác như bị chích nhẹ vào da thịt, không đau lắm nhưng khó chịu, gây ngứa, dị ứng, sau khi bôi, uống thuốc sẽ nhanh khỏi. Sứa lửa có nọc độc nên khi chạm vào da thịt sẽ cảm nhận ngay được sự bỏng rát, nếu không kịp thời xử lý sẽ để lại những tổn thương nặng nề do nọc độc gây loét, bỏng sâu.
Tiếp xúc với sứa biển khi tắm là nguy cơ khá phổ biến trong ngày hè. Do sứa có màu trong suốt, khó nhìn thấy dưới nước biển nên người tắm va phải mà không biết. Trường hợp bị hoại tử da của bệnh nhân là do chạm phải dịch tiết của sứa lửa.
Với trẻ nhỏ, nếu vị trí tiếp xúc là vùng da nhạy cảm thì tình trạng dị ứng sẽ nặng nề hơn bình thường. Nếu không được sơ cứu đúng cách kịp thời, độc tố trong sứa lửa có thể gây biến chứng như đau bụng, buồn nôn, nhức đầu, đau cơ, co thắt, ngất xỉu, khó thở...
Cách xử trí khi chạm vào sứa
Khi đang bơi bỗng dưng thấy đau nhói, bỏng rát do sứa, cần bình tĩnh lên bờ để rửa vết thương bằng nước hoặc nước vôi trong độc tố trong vết thương giảm nồng độ và trôi bớt đi. Sau khi rửa, nên đến cơ sở y tế gần nhất để sơ cứu, đặc biệt khi có các vết thương nặng.
Vùng biển khu vực Móng Cái (Quảng Ninh) hay Cát Bà (Hải Phòng), Vũng Tàu, Đà Nẵng... thường xuất hiện sứa. Khi quan sát nếu thấy biển nhiều sứa thì tốt nhất không xuống tắm, phòng nguy cơ chạm với sứa lửa.
Thúy Quỳnh