Hơn 10 năm xa quê, năm nay tôi mới được đón Tết ông Công, ông Táo ở nhà, cảm giác vẫn vẹn nguyên như ngày còn bé. Thường vào những đợt rét như cắt da cắt thịt, co ro trên phố thu mình trong những chiếc áo dầy cộp, ấn tượng sâu đậm nhất của tôi là những chiếc xe bán hoa ông Công trên phố.
Phố nhộn nhịp và lung linh sắc màu. Bọn trẻ con chúng tôi thường vui mừng và bảo nhau Tết gần tới nhà mình rồi. Những chiếc xe đạp chở theo những chú cá chép nhỏ đủ sắc màu. Mọi người ai cũng mua về để cúng, bọn trẻ con như chúng tôi thì cứ chạy theo những chiếc xe đó và thích thú nghịch những chú cá chép đựng trong túi bóng kính trong veo.
Rồi những buổi chiều rủ nhau đi thả cá, đứa nào cũng mong thả cho cá nhà mình đi xa nhất vì thấy người lớn bảo như thế ông Táo mới lên chầu trời được. Và đặc biệt, điều tôi nhớ nhất là sau ngày 23, kiểu gì ở chợ cũng bán hằng hà sa số cá chép nhỏ theo từng mớ, lại mua về để ăn...
Khi tôi lớn và những năm xa quê hương, cứ đến 23 tết là thấy rạo rực, mong chờ xen lẫn tủi thân vì nơi đất khách quê người. Tôi thèm được nhìn thấy những chiếc xe đủ màu sắc trên phố. Thèm được dung dăng dung dẻ đi thả cá ở con sông gần nhà. Thèm được hồ hởi đón Tết như lũ trẻ con ngày xưa. Hình như cứ thêm một tuổi thì người ta lại thêm gánh nặng và lo toan nhiều hơn một chút.
Bây giờ tôi không còn xốn xang khi Tết về nữa, chỉ man mác nhớ về một điều gì đó đã xa xôi lắm. Vẹn nguyên trong tôi vẫn là cảm giác đêm 23 ngồi xếp giấy và cá chép, đi hái từng bông hoa về cúng mà cả con đường xôn xao tiếng cười. Vậy mà... có lẽ mọi thứ tốt đẹp trong cuộc đời này chỉ sinh ra là để hoài niệm. Và điều đó lại luôn dành cho tôi.
>> Xem thêm: Nguồn gốc về sự tích Táo Quân ở Việt Nam
Thanh Thảo
Chia sẻ bài viết của bạn về Tết tại đây.