Yahoo Messenger phổ biến tại Việt Nam từ cách đây hơn 10 năm khi các quán Internet bắt đầu mọc lên. Hoạt động chính của mọi người khi đó là tải nhạc và tìm lời bài hát tiếng Anh, đọc báo, tham gia diễn đàn (nhiều admin, mod được coi như thần tượng của giới trẻ) và đặc biệt là chat Yahoo. Dịch vụ chat và e-mail của hãng này thông dụng đến mức một số quán Internet được đặt tên là Yahoo Cafe.
Thời đó, hầu như ai cũng vào mạng trong sự háo hức và kiên nhẫn mà ít người hiện nay hình dung được. "Cái cảm giác chat một câu mà nửa phút sau người kia mới nhận được, khiến đoạn hội thoại đôi khi chẳng ăn nhập gì thật là tếu. Đã thế, mạng chậm mà cứ thích 'xài sang' như tải hình nền lá vàng rơi, trái tim, gõ icon chiu chíu", anh Lê Hải Minh (Vĩnh Phúc) kể lại. "Riêng dòng thông báo This page cannnot be displayed (Không thể hiển thị trang này) trên cửa sổ trình duyệt Internet Explorer khi mở trang web thì có lẽ người dùng Internet thế hệ đầu không ai là không từng gặp".
Ngày ấy, người dùng làm quen, tìm kiếm bạn mới qua các chatroom. Và để tạo sự khác biệt giữa hàng trăm nick chat hỗn độn, "những đứa trẻ" thế hệ 8x và 9x đời đầu đã nghĩ ra đủ những tên "kinh điển", thấm đẫm tinh thần "trẻ trâu" như "batnapquantai_honemlancuoi (bật nắp quan tài hôn em lần cuối), ngoitrongtoilet_gaothettenem (ngồi trong toilet gào thét tên em), giai_pho_co_cua_do_gai_xinh (giai phố cổ cưa đổ gái xinh)...
"Hầu như ngày nào cũng nhịn ăn sáng để lấy tiền đi chat. Kịch bản làm quen bao giờ cũng là: "2222222. Mình làm quen nha. Bạn tên là gì?"... rồi sau vài ba câu là hỏi có webcam không. Mà số mình sao hiếm gặp em xinh. May hồi đó chưa có Camera 360 chứ không thì hậu quả không biết bao nhiêu mà kể", một thành viên hài hước kể lại trên Facebook.
Cũng đã không ít cuộc tình được hình thành từ "bà mối" Yahoo Messenger. Sự hồi hộp khi ngồi lỳ ở quán Internet chờ đợi và niềm vui sướng khi thấy nick của "người trong mộng" sáng lên là cảm giác mà nhiều người đã trải qua cách đây vài năm. Nhớ nhung, giận hờn được gửi đi qua những icon khóc cười, những tiếng Buzz!!! nghe đầy thân thương hoặc giận dữ tùy theo cảm xúc.
Rồi Yahoo 360 xuất hiện. Người dùng Internet lại hăm hở trước một trào lưu mới. Họ bắt đầu hình thành thói quen viết nhật ký online. Giới trẻ vô tư chia sẻ những kỷ niệm, biến cố xảy ra hàng ngày với họ lên mạng, hình thành cộng đồng blogger (người viết blog).
Đa phần blogger ở Việt Nam không định hướng nội dung trước khi tạo blog. Có người lập vì tò mò, bắt chước bạn bè hoặc vì có cơ hội "viết bất cứ điều gì mình thích". Một số duy trì như một cuốn nhật ký trực tuyến theo đúng nghĩa ban đầu, những người khác biến nó thành kênh tin tức, chia sẻ quan điểm cá nhân và trở thành "hot blogger".
"Hầu hết bạn bè tôi đều xây dựng blog chỉ để cho vui và chia sẻ tài nguyên họ có như nhạc, phim ảnh, e-book, kinh nghiệm... cho nhau. Nhưng những bài viết kiểu nhật ký vẫn là nội dung được comment (bình luận) nhiều nhất vì bản thân nó đã có tính chia sẻ cảm xúc rất cao", anh Ngô Vũ Anh Tú, một kỹ sư CNTT ở Hà Nội, cho hay.
Không ai có thể phủ nhận, chính Yahoo 360 đã tạo nên những khái niệm "cộng đồng mạng", "xã hội ảo" ở Việt Nam. Thế nhưng, tháng 7/2009, người sử dụng Yahoo sôi sục khi blog 360 chấm dứt hoạt động với bao nuối tiếc.
Nhiều dịch vụ blog thay thế được đưa ra như 360 Plus, Wordpress, Multiply... nhưng đều không tạo được sự gần gũi, không thể lấp chỗ trống mà Yahoo 360 đã để lại. Rồi mọi người chuyển sang mạng xã hội. Với tính năng "ngày này năm xưa" (On this day), mấy tuần qua các thành viên Facebook chợt nhận ra, tháng 7/2009 - cũng là lúc Yahoo 360 bị khai tử - bắt đầu là giai đoạn họ kết bạn với rất nhiều người, hình thành nên một "cuộc đổ bộ" rầm rộ lên mạng xã hội lớn nhất thế giới.
Sử dụng Facebook đồng nghĩa blog dần bị lãng quên. Nó vẫn tiếp tục tồn tại nhưng không còn là "trào lưu". Thay vào đó là những status đôi ba dòng, những bức ảnh "câu like" tràn ngập News Feed. Bên cạnh đó, với chính sách dùng tên thật của Facebook, những cái nick ảo gắn bó với nhiều người từ thời chat Yahoo Messenger cũng đang dần biến mất.
Yahoo 360 trở thành quá khứ, Yahoo Messenger không còn thịnh hành, Yahoo cũng đã đóng cửa văn phòng ở Việt Nam. Nhưng những kỷ niệm về Yahoo vẫn như còn mãi.
Châu An