Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 13/6 ký thỏa thuận an ninh song phương 10 năm tại cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh G7 ở Italy.
"Để đảm bảo an ninh của Ukraine, hai bên công nhận Ukraine cần có quân đội lớn mạnh và đầu tư bền vững vào công nghiệp quốc phòng, phù hợp với tiêu chuẩn NATO", thỏa thuận cho biết. "Mỹ dự định hỗ trợ dài hạn về thiết bị, huấn luyện và cố vấn, tình báo, an ninh, công nghiệp quốc phòng, thể chế và các vấn đề khác để giúp phát triển lực lượng Ukraine đủ khả năng bảo vệ đất nước, răn đe các đợt gây hấn trong tương lai".
Thỏa thuận an ninh song phương sẽ là nền tảng để Mỹ giúp Ukraine tăng cường cơ sở công nghiệp - quốc phòng, điều phối các nhu cầu vũ khí trong tương lai của Kiev và đưa Ukraine đến gần hơn với việc gia nhập NATO, theo giới quan sát.
Những điều khoản này hướng tới đảm bảo những hỗ trợ hiện tại của Washington dành cho Kiev sẽ được duy trì trong ít nhất một thập kỷ nữa, nhưng không có cam kết nào về việc Mỹ sẽ đưa quân tới Ukraine để bảo vệ nước này trong xung đột với Nga.
Theo giới chuyên gia, mục tiêu Tổng thống Biden nhắm đến khi công du châu Âu lần này là thể hiện bản thân như một lãnh đạo vững chãi của phương Tây, thu hút các cường quốc thế giới đứng về phía Ukraine và nâng cao hình ảnh toàn cầu trước cuộc bầu cử tháng 11. Thỏa thuận an ninh 10 năm với Ukraine vừa phục vụ mục tiêu đó vừa thể hiện quyết tâm của ông chủ Nhà Trắng, ngay cả khi Kiev ngày càng ít có khả năng giành được thắng lợi rõ ràng trước Moskva.
"Không ai thực sự muốn chiến đấu với Nga trong 10 năm tới, nhưng thỏa thuận sẽ giúp loại bỏ tư duy ngắn hạn hay cam kết phù phiếm từ Mỹ", Kristine Berzina, chuyên gia về an ninh Mỹ và mối quan hệ chiến lược Mỹ - Liên minh châu Âu (EU) tại Quỹ German Marshall, trụ sở ở Washington, bình luận.
Đây được coi là cam kết có lợi và thiết thực nhất với Ukraine hiện nay, trong bối cảnh xung đột với Nga đã bước sang năm thứ ba và chưa có dấu hiệu sớm chấm dứt, còn cánh cửa gia nhập NATO của Kiev đang ngày càng hẹp dần.
Cánh cửa NATO ngày càng hẹp với Ukraine
Tuy nhiên, thỏa thuận có một nhược điểm lớn, gây hoài nghi về tương lai. Dù đưa ra những đảm bảo an ninh dài hạn, nó chỉ là văn bản hành pháp được ký kết giữa chính quyền hiện tại của Mỹ và Ukraine, không được quốc hội phê chuẩn.
Điều này đồng nghĩa thỏa thuận không có nhiều tính ràng buộc lâu dài. Nếu Donald Trump chiến thắng cuộc bầu cử tổng thống và trở lại Nhà Trắng vào tháng 1/2025, ông hoàn toàn có thể hủy thỏa thuận, phá bỏ mọi cam kết của Washington.
Giới quan sát đánh giá kịch bản này hoàn toàn có thể xảy ra, bởi Trump đã nhiều lần công khai phản đối việc hỗ trợ Ukraine cũng như từ bỏ các thỏa thuận đa phương mà Mỹ đã ký kết.
"Điều này khiến thỏa thuận trở thành một canh bạc lớn đối với Tổng thống Biden, người đang mang uy tín của Mỹ ra đặt cược với hy vọng trấn an Ukraine và các đồng minh châu Âu, ngay cả khi ông không thể đảm bảo thỏa thuận sẽ được duy trì lâu dài", bình luận viên Alexander Ward và Adam Cancryn từ Politico nhận định.
Hiện chưa rõ chính sách của Trump với Ukraine sẽ như thế nào nếu ông tái đắc cử. Đây cũng là lý do tạo nên những mối nghi ngờ về các cam kết của Washington đối với Kiev trong cuộc xung đột Nga - Ukraine, điều mà nhiều đồng minh NATO coi là một cuộc chiến vì an ninh toàn châu Âu.
Trump đã thúc giục châu Âu chịu thêm gánh nặng bảo vệ Ukraine và nói rằng ông sẽ khuyến khích người Nga làm "bất cứ điều gì họ muốn" nếu các đồng minh NATO ở châu Âu không đáp ứng mục tiêu chi 2% GDP cho quốc phòng mà khối đã đặt ra.
"Ngay cả một hiệp ước được quốc hội phê chuẩn cũng chưa đủ mạnh để được lấy ra làm vật đảm bảo dưới chính quyền Trump", Berzina cho hay. Trên thực tế, trong thời kỳ nắm quyền, Trump đã rút Mỹ khỏi loạt hiệp ước như thỏa thuận Bầu trời Mở hay Liên minh Bưu chính Thế giới, thậm chí đe dọa rời khỏi NATO.
"Bất cứ điều gì chính quyền Biden đang làm, trong đó có cả thỏa thuận an ninh song phương với Ukraine, đều có thể bị Trump hủy bỏ hoặc xem xét lại nếu ông tái đắc cử", Doug Klain, nhà phân tích từ Hội đồng Đại Tây Dương, trụ sở tại Washington, đánh giá.
Dù vậy, Klain cho rằng đây vẫn là một tính toán chiến lược của Tổng thống Biden. Ông tin rằng chính quyền tương lai có thể buộc phải tuân theo thỏa thuận, bởi họ sẽ đối mặt nguy cơ bị phản ứng dữ dội về chính trị nếu từ bỏ cam kết với Ukraine.
"Nếu tổng thống Trump 2.0 đi chệch khỏi thỏa thuận hay từ bỏ nó hoàn toàn, cái giá phải trả về mặt chính trị sẽ tăng lên", Klain nói.
Trump đã nhiều lần cho thấy rằng ông không quá lo lắng về những tổn thất chính trị. Song việc rút khỏi thỏa thuận chắc chắn sẽ thổi bùng phẫn nộ trong nhóm những người ủng hộ Ukraine tại quốc hội Mỹ và cả ở nước ngoài.
Để củng cố ủng hộ cho Ukraine trước tháng 11, Nhà Trắng đang đẩy mạnh một số hành động khác nhằm đưa Kiev vào thế ổn định.
Các lãnh đạo G7 ngày 13/6 đạt được thỏa thuận về việc thế chấp lợi nhuận từ tài sản bị đóng băng của Nga để vay khoảng 50 tỷ USD viện trợ Ukraine. Gần đây, Mỹ đã bật đèn xanh cho việc chuyển thêm một hệ thống Patriot đến Ukraine, khi Kiev vận động hành lang để có thêm chúng trước mùa đông.
Và mặc dù thỏa thuận an ninh mới giữa Mỹ với Ukraine cũng như các thỏa thuận mà Kiev ký với một số nước châu Âu không đạt được mục tiêu cuối cùng của Tổng thống Volodymyr Zelensky là lời đảm bảo về tương lai gia nhập NATO, chúng dường như là một bước đi phục vụ cho mục tiêu đó.
"Thỏa thuận này là một phần trong cái mà chính quyền Mỹ gọi là cầu nối của Ukraine tới NATO", Berzina nói. "Những bước đi cụ thể như vậy, đến một ngày, khi kết hợp lại, chúng sẽ giúp Ukraine sẵn sàng trở thành thành viên của khối".
Vũ Hoàng (Theo Politico, Foreign Policy, AFP, Reuters)