"Tôi sẽ ký ban hành đạo luật có thể tóm gọn là: Ở trong nhà. Việc di chuyển trên toàn quốc sẽ bị ngừng, trừ khi có lý do khẩn cấp hoặc vấn đề sức khỏe", Thủ tướng Conte hôm qua thông báo. Đạo luật phong tỏa này sẽ hạn chế đi lại của hơn 60 triệu dân Italy cho đến ngày 3/4.
Đây được coi là biện pháp mở rộng của lệnh phong tỏa vùng Lombardy ở miền bắc Italy được ông Conte ban bố một ngày trước đó, với kỳ vọng sẽ ngăn chặn mức độ lây lan của Covid 19, trong bối cảnh Italy đã trở thành vùng dịch lớn thứ hai thế giới với hơn 9.000 ca nhiễm và hơn 460 người tử vong.
"Chúng ta phải hiểu rằng tất cả mọi người cần tuân thủ và không được chống lại các biện pháp phong tỏa này. Đừng cố tỏ ra khôn ngoan bằng cách né luật", Thủ tướng Conte cảnh báo trong cuộc họp báo rạng sáng 8/3 để công bố lệnh phong tỏa vùng Lombardy.
Tuy nhiên, lời kêu gọi chấp hành lệnh phong tỏa của Thủ tướng Italy lập tức làm dấy lên làn sóng tranh cãi về cách thức chính phủ thực thi biện pháp hạn chế người dân đi lại cũng như ý thức chấp hành của người Italy trong việc ngăn nCoV lây lan.
"Chúng tôi giờ là Vũ Hán thứ hai", Elena Lofino, 39 tuổi, làm việc tại trung tâm thương mại ở vùng Lombardy, so sánh khu vực này với thành phố 11 triệu dân ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc bị phong tỏa từ hôm 23/1.
Lofino tin rằng các biện pháp phong tỏa sẽ giúp ngăn chặn hiệu quả nCoV. "Đây là một sự hy sinh rất lớn nhưng chúng tôi sẽ chấp nhận", cô nói khi đang đi chơi cùng bạn bè.
Giới chức Italy đã liên tục thực hiện những biện pháp quyết liệt để ngăn chặn Covid-19 như hủy toàn bộ chuyến bay với Trung Quốc từ tháng 1, phong tỏa 11 thị trấn ở vùng Lombardy và Veneto vào tháng 2.
Việc tiếp tục siết chặt hạn chế đi lại đối với vùng Lombardy, nơi đặt cỗ máy kinh tế Milan, cũng như toàn bộ đất nước, được dự đoán sẽ tác động tiêu cực tới kinh tế Italy. Tuy nhiên, lời kêu gọi của Thủ tướng Conte cho thấy chính phủ Italy hầu như vẫn trông cậy vào ý thức tự giác chấp hành lệnh phong tỏa của người dân.
Dù vậy, nhiều người Italy không có chung suy nghĩ như Lofino và lập tức phớt lờ lời kêu gọi của Thủ tướng. Hàng nghìn người vội vã lên tàu rời Lombardy trước khi lệnh phong tỏa khu vực có hiệu lực vào chiều 8/3, bất chấp việc nhiều chuyên gia y tế kêu gọi công chúng tuân thủ luật pháp và hành động có trách nhiệm.
Guiseppe Ippolito, giám đốc Viện Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Lazzaro Spallanzani ở Rome, tuyên bố trên truyền hình rằng "những người chạy trốn là mối đe dọa của đất nước". Ông kêu gọi họ liên hệ với cơ sở y tế, báo cáo tình trạng sức khỏe của bản thân và "sẵn sàng cách ly".
Nhưng nhiều người cho rằng việc họ rời Milan để tới miền nam trước khi lệnh phong tỏa vùng Lombardy có hiệu lực là điều đúng đắn. Tại nhà ga trung tâm Milan sáng 8/3, Giorgia Caredda, quản lý mạng xã hội 30 tuổi, đang đợi tàu tới Rome để có thể chăm sóc bố mắc bệnh tim bởi cô lo chuyện bất trắc xảy ra với bố.
"Một mặt tôi cảm thấy điều này thật ngớ ngẩn", cô nói về việc nhanh chóng rời đi vì sợ chết. "Nhưng tôi cũng có cảm giác bị giam cầm ở đây và cần tìm cách thoát ra".
Trong tác phẩm "Người Italy" năm 1964, Luigi Barzini cho rằng những người Italy đồng hương của ông đã trở nên "khôn ngoan" do quen với sự áp bức và cai trị trong một thời gian dài bởi các thế lực nước ngoài, từ Napoleon cho tới gia tộc Hapsburg.
"Người Italy đã âm thầm tìm nhiều cách để đánh bại sự áp bức. Khi không thể bảo vệ được tự do của dân tộc trên chiến trường, họ đã chiến đấu hết mình để bảo vệ tự do của cá nhân, gia đình. Dù sao đi nữa, đó cũng là sự tự do duy nhất mà họ có được", ông viết.
Barzini cũng so sánh những luật lệ mà các lãnh đạo đưa ra với "chướng ngại vật trong cuộc đua ngựa", nơi người Italy phô diễn tốc độ của họ. Ông cho rằng luật pháp đã trở thành thách thức để họ tìm thấy niềm vui của việc "lách luật".
"Làm sao một người có thể phạm luật nếu nó không tồn tại?", Barzini viết. Đây chính là lối suy nghĩ mà Thủ tướng Conte kêu gọi người Italy tránh xa. "Chúng ta phải bảo vệ sức khỏe của mình và của những người thân yêu", ông nói trong cuộc họp báo sáng 8/3.
Mạng xã hội ở Italy hôm đó tràn ngập lời kêu gọi của những ca sĩ nổi tiếng và giới truyền thông trong chiến dịch chống hành vi chạy trốn "đáng xấu hổ". "Bạn cần phải ở nhà. Có rất nhiều người ở xung quanh bạn", bác sĩ Barbara Balanzoni nói trong đoạn video được chia sẻ rộng rãi trên mạng ở Italy.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa Dario Franceschini đã cảm ơn những người nổi tiếng trong lĩnh vực âm nhạc, điện ảnh và giải trí đã phát đi lời kêu gọi trên mạng xã hội với hashtag "Tôi đang ở nhà". "Đây là thông điệp rất quan trọng đối với giới trẻ của chúng ta", ông viết trên Twitter.
Ở một số nơi, thông điệp này dường như đã tạo ra sự thay đổi lớn. Antonio Ponti, 47 tuổi, DJ trong một câu lạc bộ ở thành phố Milan, đã lên kế hoạch tổ chức tiệc bất chấp lệnh cấm tụ tập của chính phủ. Để "né" lệnh cấm tụ tập ở địa điểm mà mọi người không có không gian để duy trì khoảng cách ít nhất một mét, Ponti đã định tìm cách "lách luật" khi chọn tổ chức một bữa tiệc ngoài trời.
Nhưng khi số ca nhiễm nCoV không ngừng tăng và những tranh luận về lệnh phong tỏa xuất hiện khắp nơi ở Milan, ông cho biết không muốn biến bản thân thành "kẻ lây lan dịch bệnh". Ông quyết định tuân thủ quy định của chính phủ và hủy buổi tiệc.
"Lựa chọn này khôn ngoan hơn vì nó giúp cho mọi thứ tốt hơn", Ponti nói.
Thanh Tâm (Theo NY Times)