Giá trị Bitcoin đã tăng gấp hàng trăm lần trong 8 năm qua, từ mức vài trăm USD lên tới kỷ lục 63.000 USD đổi một đồng Bitcoin hồi giữa tháng 4. Coinbase cũng trở thành công ty tiền ảo lớn đầu tiên chào bán công khai và được định giá hơn 85 tỷ USD. Dù vậy, vẫn có không ít chuyên gia bày tỏ hoài nghi về giá trị và tương lai của Bitcoin.
Bitcoin luôn được kỳ vọng là loại tiền mang tính cách mạng, có thể tránh được nhiều hạn chế của các chính phủ và doanh nghiệp nhờ kiến trúc ngang hàng phi tập trung, cung cấp phương án chống lạm phát thay thế cho tiền tệ truyền thống. "Nhưng Bitcoin cũng có nhiều hạn chế và triển vọng đầu tư của nó cũng có nhiều giới hạn", cây bút Meghan McArdle của Washington Post nhận xét.
Bitcoin đã xuất hiện hơn 10 năm, nhưng vẫn là phương án thanh toán rất bất tiện, kém xa tiền mặt hoặc thẻ ngân hàng. Phần lớn doanh nghiệp không chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin và nó chỉ được giao dịch giữa những người thực sự đam mê, dù các công ty như Tesla đang tìm cách làm đồng tiền này phổ biến hơn.
Đây là những vấn đề nằm trong bài toán lớn hơn nhiều. Các giao dịch bằng Bitcoin mất nhiều thời gian để thực hiện và mạng lưới phi tập trung cần rất nhiều năng lực xử lý, khiến chúng rất khó vượt ra khỏi cộng đồng người dùng trung thành. Một cách giải quyết là tạo thêm lớp thanh toán bên trên mạng Bitcoin, nhưng không rõ ai sẽ sử dụng phương án này thay vì chi tiêu bằng đồng tiền ổn định và được chấp nhận ở mọi nơi như USD.
"Bitcoin có thể coi là một dạng tài sản, chứ không chỉ là tiền tệ đơn thuần. Điều này rất hợp lý khi giá trị của nó đang lập đỉnh liên tục. Nhưng đi kèm là sự hoài nghi rằng lợi ích và giá trị thực sự của Bitcoin là gì", McArdle nhận xét.
Có nhiều câu trả lời cho câu hỏi này. Thiết kế giới hạn 21 triệu đồng Bitcoin khiến nó là công cụ chống lạm phát tuyệt vời, nhưng cũng có nhiều giải pháp không thua kém là bất động sản và vàng. "Tại sao phải chọn một loại tiền ảo chưa rõ giá trị lâu dài nếu có những phương án đó", McArdle nói.
Người ủng hộ Bitcoin khẳng định giá trị dài hạn của đồng tiền này là rất rõ ràng, với bằng chứng là giá trị liên tục lập đỉnh trong thời gian qua. Tuy nhiên, thành tích trong quá khứ không thể bảo đảm cho kết quả trong tương lai.
Ví dụ cụ thể là thị trường bất động sản tại Nhật Bản trong thập niên 1980, khi khu đất tại cung điện hoàng gia có giá trị hơn toàn bộ bất động sản ở bang California của Mỹ. Tuy nhiên, giá cả cần có điểm neo thực tế, nếu không bong bóng sẽ vỡ hoàn toàn. Sau khi bong bóng bất động sản vỡ, thị trường Nhật Bản cần đến vài chục năm để tiếp cận đỉnh giá trước đây.
"Phần lớn giá trị của Bitcoin được tích lũy trong 12 tháng qua, khi giá trị đồng tiền này đã tăng gấp 10 lần từ tháng 4/2020. Nhưng lợi ích thực tế của nó nằm ở những thứ như chuyển tiền khỏi các nước kiểm soát tiền tệ, mua bán hàng cấm hoặc cung cấp giải pháp thanh toán thay thế tiền ở những nước đang trải qua siêu lạm phát", McArdle nhận xét.
Xét về mặt này, Bitcoin không giống tiền tệ mà là một loại trang sức đắt tiền, có kích thước nhỏ và dễ tuồn qua biên giới, cho phép cất trữ và thanh lý trong trường hợp bất trắc.
"Câu hỏi là thị trường này có thể phát triển đến đâu. Nhiều người thích ngắm vàng và trang sức, nhưng không nhiều người có thể chiêm ngưỡng sức hấp dẫn từ cấu trúc thanh toán Bitcoin. Điều này khiến nó sẽ bị giới hạn trong phạm vi một số nước và người đam mê tiền ảo nhất định. Nếu họ thuyết phục được cộng đồng rộng hơn sử dụng, giá trị của Bitcoin có thể tụt dốc không phanh và trở lại mặt đất, đúng như giới hoài nghi dự đoán", McArdle kết luận.
Điệp Anh (Theo Washington Post)