Nhạc sĩ Hoài An tâm sự, trong lúc mong muốn sáng tác một ca khúc mới dễ đi vào lòng người, thì nhận được lời mời của Neptune tham gia xây dựng mẫu quảng cáo dịp Tết. Nhận thấy thông điệp mà nhãn hàng đưa ra gần gũi và cảm động, anh nhận lời sáng tác. “Như cái duyên và có cùng tư tưởng, tôi đã đồng ý hợp tác để viết ca khúc và thật xúc động khi bài hát nhận được sự chia sẻ, đồng cảm của khán giả”, nhạc sĩ Hoài An nói.
Người nghệ sĩ tài ba tâm sự, mỗi độ xuân về, anh đều muốn sáng tác thêm nhiều ca khúc mới để thay lời chúc tốt đẹp đến với mọi người, và ca khúc “Ước mơ ngọt ngào” là một trong tác phẩm mà anh rất tâm đắc. Với chủ đề Tết đoàn viên và thông điệp “Về nhà đón Tết- Gia đình trên hết”, Neptune đã xây dựng câu chuyện đoàn viên cảm động với nhân vật trung tâm là một em bé khiếm thính. Những đối thoại không lời đầy ý nghĩa của con gái với bố đã mang lại giây phút đoàn viên ấm áp đầy hạnh phúc của gia đình vào những giờ phút thiêng liêng nhất trong năm.
Đoạn phim dài 2 phút 13 giây sau khi đưa lên Youtube đã có tốc độ lan truyền nhanh. Với ánh mắt biết nói, em bé đã đưa người xem đi từ cảm giác hồi hộp chờ chiếc điện thoại đổ chuông, hy vọng biết ngày bố sẽ về, tới cảm giác buồn bã vì biết bố mình không thể đón Tết cùng cả nhà. Cao trào của đoạn phim chính là đoạn hội thoại không lời dài 40 giây qua màn hình máy tính giữa hai bố con. Thay cho giọng nói không tròn tiếng, bằng hành động, ngôn ngữ cử chỉ, và đặc biệt là ánh mắt, em bé đã cố gắng thuyết phục bố mình rằng: “Con để dành được nhiều lì xì lắm, bố không cần vất vả làm việc đâu. Con nhớ bố lắm, bố về với con đi”. Còn người bố cũng lắng nghe con với ánh mắt thật buồn, miệng ngập ngừng nói lời “Bố xin lỗi con”, tay run run chỉ vào trái tim với ánh mắt đầy day dứt.
Đoạn phim thành công hơn khi nó được thể hiện trên nền nhạc ngọt ngào và lời ca đầy ý nghĩa của “Ước mơ ngọt ngào”. Tác giả cho biết, khi sáng tác, anh muốn mọi người đón nhận nó không chỉ là ca khúc quảng cáo bình thường mà thật sự phải là nhạc phẩm xuân với đầy đủ ý nghĩa nhân văn và đi vào lòng người một cách tự nhiên. “Tôi hy vọng bài hát sẽ là một trong những ca khúc xuân không thể thiếu mỗi khi xuân về”, nhạc sĩ Hoài An chia sẻ.
Đoạn đầu tiên do em bé hát với mong muốn khát khao bố về đón Tết, với những câu hát như “Con chờ khoe áo mới, bố về chưa bố ơi? Bao chờ mong thương nhớ, về mừng xuân với con”, “Nhiều quà Tết cũng vui mà sao bằng niềm vui bố về”. Trong quá trình sáng tác, không ít lần nhạc sĩ cảm thấy nghẹn ngào với hình ảnh cô bé mong bố về với mình như thế nào, nhất là khi cảm xúc vỡ òa lúc cả gia đình được đoàn tụ. “Nhìn hình ảnh đó, tôi tin mọi người ai ai cũng mong sum họp với gia đình của mình”, Hoài An nói.
Bài hát kết thúc bằng hai câu “Quà nào bằng gia đình sum họp, Tết nào vui bằng tết đoàn viên” thực sự sâu lắng. Nhạc sĩ Hoài An cho biết, cảm xúc về gia đình, quê hương đã giúp anh tạo ra “đứa con tinh thần” trên. “Con người ta dù sống trong thời đại nào cũng không thể chối bỏ các giá trị truyền thống tốt đẹp của cha ông ta”, nhạc sĩ Hoài An nói.
Theo nghệ sĩ, đoạn phim cho thấy vì những lo toan cuộc sống mà nhiều người đã bỏ lỡ cơ hội sum họp với gia đình, điều này phần nào gây ảnh hưởng đến con trẻ, trong khi đây là đối tượng rất cần sự quan tâm của người lớn. “Tôi rất ấn tượng với cảnh người cha nghẹn ngào không biết nói gì khi nghe lời nói ngây thơ của con gái. Tôi đã thật xúc động và chắc chắn rất nhiều người cũng có tâm trạng như tôi”, nhạc sĩ Hoài An nói.
Phương Thảo