![Linh cẩu Chasmaporthetes ăn xác voi ma mút. Ảnh: UPI.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2019/06/19/linh-cau-2809-1560912872.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=HB4MAyDWO6TjY5MAicDz6g)
Linh cẩu Chasmaporthetes ăn xác voi ma mút. Ảnh: UPI.
Linh cẩu ngày nay chỉ được tìm thấy tại những khu vực có khí hậu ấm áp ở châu Phi và châu Á. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới của các nhà khoa học từ Đại học Buffalo (Mỹ), được công bố trên tạp chí Open Quaternary hôm 18/6, cho thấy loài thú ăn thịt này từng lang thang trên vùng đất lạnh giá Bắc Cực vào thời kỳ băng hà cuối cùng.
Những chiếc răng hóa thạch, ước tính có niên đại cách đây từ 850.000 đến 1,4 triệu năm, được khai quật tại Old Crow River ở phía bắc vùng lãnh thổ Yukon của Canada. Chúng thuộc về một loài linh cẩu tiền sử trong chi Chasmaporthetes, còn được gọi là linh cẩu chạy hay linh cầu săn mồi.
"Thật đáng kinh ngạc khi tưởng tượng linh cẩu phát triển mạnh trong điều kiện khắc nghiệt ở vòng Bắc Cực vào kỷ băng hà", nhà cổ sinh vật họ Grant Zazula nói. "Chasmaporthetes có thể đã săn những đàn tuần lộc và ngựa, hoặc ăn xác động vật như voi ma mút trên thảo nguyên rộng lớn trải dài từ Siberia đến Yukon".
Hóa thạch của chi linh cẩu Chasmaporthetes cũng được tìm thấy ở châu Phi, châu Âu và châu Á. Nhóm nghiên cứu cho rằng chúng có thể đã băng qua Beringia, cây cầu đất liền nối châu Á với Bắc Mỹ để đến Yukon. Phát hiện mới có ý nghĩa rất quan trọng bởi chúng cung cấp bằng chứng đầu tiên về sự hiện diện của linh cẩu cổ đại ở vùng Bắc Cực.
Đoàn Dương (Theo Science Daily)