Ba nhà khoa học từ Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Stuttgart, Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Castle Bertholdsburg và Bảo tàng Tiền sử Geoskop (Đức), khai quật hóa thạch kỳ giông cổ xưa nhất thế giới ở thành hệ địa chất Madygen, Kyrgyzstan. Nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences hôm 11/5.
Nguồn gốc của động vật lưỡng cư vẫn ẩn chứa nhiều điều cần khám phá. Giới khoa học chưa rõ chính xác thời điểm chúng tách ra khỏi những động vật bốn chân khác. Trong nghiên cứu mới, các chuyên gia tiến thêm một bước để tìm hiểu vấn đề này.
Xương vai, xương vòm miệng và một số xương bàn chân của hóa thạch chỉ ra, nó thuộc loài kỳ giông Triassurus sixtelae, sống cách đây 230 triệu năm, trong kỷ Tam Điệp. Hóa thạch này cổ xưa hơn 90 triệu năm so với các hóa thạch kỳ giông mà giới khoa học tìm được trước đó.
Nhóm nghiên cứu nhận thấy nhiều điểm tương tự giữa Triassurus sixtelae với các loài kỳ giông hiện đại sống ở một số khu vực thuộc châu Á. Họ cũng tìm được bằng chứng chỉ ra, Triassurus sixtelae sống cả ở trên cạn và trong vùng nước nông ven hồ nước ngọt. 230 triệu năm trước, khu vực phát hiện hóa thạch của loài kỳ giông này từng là chân đồi.
Nhóm nghiên cứu xếp Triassurus sixtelae vào liên bộ Batrachia, gồm các loài kỳ giông và ếch hiện đại. Họ cho biết, phát hiện mới là cây cầu nối giữa những con kỳ giông cổ xưa nhất và kỳ giông ngày nay. Địa điểm phát hiện hóa thạch cũng cho thấy, có thể kỳ giông bắt nguồn từ lục địa Á Âu rồi phân tán ra rộng rãi trên thế giới. Một số kỳ giông có thể đã đi qua những cầu đất tồn tại trong kỷ Tam Điệp.
Thu Thảo (Theo Phys)