Bộ xương siêu lớn của sinh vật, có tên là Big John, được phát hiện lần đầu tiên vào năm 2014 ở bang South Dakota, trung bắc nước Mỹ. Nó dài tới 8 m - riêng hộp sọ dài 2,62 m và rộng 2 m - lớn hơn bất kỳ hóa thạch khủng long ba sừng nào từng được biết đến. Các chuyên gia từ Italy đã mất một năm khai quật để hoàn thiện 60% bộ xương, bao gồm hơn 200 mảnh ghép riêng lẻ.
Trong phiên đấu giá tại Paris vào hôm qua, một nhà sưu tập tư nhân giấu tên người Mỹ đã trả số tiền lên tới 6,65 triệu euro (7,74 triệu USD) - bao gồm cả phí hoa hồng, thuế và chi phí khác - để trở thành chủ sở hữu mới của Big John. Con số này vượt xa số tiền 1,2 - 1,5 triệu euro mà hãng đấu giá Drouot dự kiến thu về.
"Đó là một kỷ lục mới ở châu Âu", nhà đấu giá Alexandre Giquello tại Drouot nhấn mạnh. Giquello cho biết thêm rằng thị trường hóa thạch khủng long còn tương đối mới ở lục địa già, nhưng đang tăng trưởng theo cấp số nhân.
Khủng long Big John được cho là đã lang thang ở South Dakota cách đây hơn 66 triệu năm trong kỷ Phấn trắng muộn. Hộp sọ của nó có vết thương do sừng đâm, cho thấy sinh vật đã tham gia ít nhất một cuộc ẩu đả với đồng loại.
"Tình trạng hóa thạch và lịch sử của nó thực sự ấn tượng, vì vậy, trở thành một phần trong việc bảo tồn mẫu vật là điều vô cùng đặc biệt", đại diện cho người mua Djuan Rivers chia sẻ.
Theo Giquello, nhiều bảo tàng trên thế giới cũng khao khát sở hữu Big John nhưng họ không thể cạnh tranh với mức giá mà chủ sở hữu tư nhân người Mỹ đưa ra. Bộ xương sẽ sớm được tháo dỡ để vận chuyển và lắp ghép lại một lần nữa khi đến tay người mua.
Đoàn Dương (Theo Reuters/New York Post)