Live Science cho hay, phần hóa thạch hộp sọ nguyên vẹn được phát hiện tại vùng cao nguyên Tây Tạng có niên đại khoảng 4,4 triệu năm. Loài động vật họ mèo được đặt tên là Panthera blytheae và được xác định sống cách đây khoảng từ 4 đến 6 triệu năm.
Theo nhóm nghiên cứu thuộc Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên tại New York, đây được coi là hóa thạch của một động vật thuộc họ mèo lâu đời nhất được tìm thấy cho đến nay, tức là lâu đời hơn so với hóa thạch của động vật họ mèo lớn ước tính 3,7 triệu năm tuổi từng được phát hiện tại Tanzania.
Jack Tseng, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết hóa thạch được tìm thấy ở cao nguyên Tây Tạng có họ hàng gần gũi với loài báo tuyết đang sinh sống ở khu vực dãy núi Himalayas ngày nay, đặc biệt ở cấu trúc của phần xương trán. Phần hóa thạch được phát hiện ở nơi mà các cuộc tìm kiếm trước đó từng tìm thấy hóa thạch của một số loài động vật khổng lồ khác nhau, như voi ma mút lông mịn hay tê giác.
Kết quả nghiên cứu cho thấy các loài động vật họ mèo có thể đã sống từ cách đây khoảng 16 triệu năm trước, sớm hơn khoảng 5 triệu năm so với các quan điểm trước đây. Đây cũng được coi là một phát hiện quan trọng giúp các nhà khoa học có thể giải đáp được nhiều câu hỏi liên quan đến loài báo tuyết hiện đại.
Thùy Linh