
Mẫu hóa thạch côn trùng giao phối được tìm thấy có niên đại 165 triệu năm. Ảnh: Fox News
Nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Sư phạm Thủ đô, Bắc Kinh, phát hiện hóa thạch ở khu tự trị Nội Mông và xác định hóa thạch có niên đại từ giữa kỷ Jura, khoảng 165 triệu năm trước. Mẫu hóa thạch cho thấy hai cá thể côn trùng đang thực hiện việc giao phối với hình ảnh rõ ràng của cơ quan sinh dục.
"Đây là một mẫu hóa thạch hiếm và có tình trạng bảo quản rất tốt. Chúng ta có thể nhìn thấy cấu trúc chi tiết của cả hai cá thể này", Fox News dẫn lời giáo sư Kun Shih đến từ Đại học Capital Normal, cho biết.
Nhóm nghiên cứu đưa ra giả thuyết hai cá thể côn trùng này đã chết trong khi giao phối do khí độc của một vụ phun trào núi lửa lớn, khiến nhiều sinh vật sống gần đó bao gồm cả vi khuẩn và nấm đều không thể sống sót. Trong khi nấm và các vi khuẩn đều phân hủy từ rất lâu, thì hóa thạch hai cá thể côn trùng giao phối này chịu tác động của ngoại lực như sức gió, sau đó bị chôn vùi dưới lớp trầm tích và được bảo vệ suốt hàng triệu năm.
Hóa thạch về các loài côn trùng giao phối thường rất hiếm, đến nay chỉ có khoảng 40 hóa thạch được tìm thấy trên toàn thế giới. Hóa thạch côn trùng giao phối lâu đời nhất từng được biết đến có niên đại khoảng 100 triệu năm.
Đức Huy