Các nhà nghiên cứu phát hiện hóa thạch 520 triệu năm tuổi của một sinh vật biển tại Trung Quốc, Fox News hôm nay đưa tin. Sinh vật này được đặt tên là Daihua sanqiong, khả năng cao là họ hàng xa của sứa lược.
"Khi nhìn hóa thạch lần đầu, tôi lập tức chú ý đến một số đặc điểm từng gặp ở sứa lược. Bạn có thể thấy những vệt sẫm màu lặp lại dọc theo mỗi xúc tu, trông giống các tấm lược của loài sứa này khi hóa thạch", tiến sĩ Jakob Vinther, nhà cổ sinh vật học, giải thích.
Trên hóa thạch Daihua sanqiong cũng in rõ dấu tích của các hàng mao lớn. Những cấu trúc mao lớn như vậy chỉ có ở sứa lược, Vinther cho biết. Ông cũng nhận xét phát hiện này rất quan trọng vì đây có thể là một trong những sinh vật đầu tiên tiến hóa trên Trái Đất.
Daihua sanqiong có 18 xúc tu và được cho là để săn mồi. Số lượng này có thể nhiều hơn bạch tuộc ngày nay, nhưng nó không phải sinh vật cổ đại duy nhất sở hữu nhiều xúc tu như vậy. Dinomischus, sinh vật sống cách đây 508 triệu năm, cũng có tới 18 xúc tu.
Trong quá trình nghiên cứu, nhóm chuyên gia cũng phát hiện rằng Xianguangia, hóa thạch từng được cho là một con hải quỳ, thực chất thuộc ngành sứa lược, theo giáo sư Cong Peiyun. Các chuyên gia trình bày quá trình sứa lược tiến hóa, miêu tả bộ khung cơ thể của nó trong kỷ Cambri, những tấm lược tiến hóa từ xúc tu và một số thay đổi khác.
"Với những biến đổi cơ thể đó, tôi nghĩ chúng ta đã có thêm thông tin để hiểu vì sao sứa lược lại khó nắm bắt như vậy. Nó giải thích tại sao chúng từng mất rất nhiều gene và sở hữu hình thái mà chúng ta thấy ở những động vật khác", tiến sĩ Luke Parry, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết.