Nghiên cứu mới công bố hôm 2/11 trên tạp chí Vertebrate Paleontology của nhà cổ sinh vật học Alberto Valenciano Vaquero ở Bảo tàng Iziko Museum và Đại học Cape Town, Nam Phi, và cộng sự báo cáo phát hiện một họ hàng của loài lửng mật ngày nay từ khu vực Langebaanweg (nay là Công viên hóa thạch bờ Tây Nam Phi) từ đầu thế Thượng Tân. Ngoài loài vật giống lửng mật, vùng đất này còn chứa tập hợp động vật có vú nguyên vẹn và phong phú nhất thế giới, bao gồm hổ răng kiếm, gấu, linh cẩu, chó hoang, cầy mangut, cũng như họ hàng của hươu cao cổ, voi, tê giác, lợn hoang, chim, cá.
Loài lửng mật đã tuyệt chủng đến từ Langebaanweg (Mellivora benfieldi) ban đầu được mô tả bởi Brett Hendey cách đây hơn 40 năm dựa trên vài mảnh xương hàm dưới. Theo Valenciano, hóa thạch lửng mật mới cho thấy loài lửng mật ở Nam Phi khác với lửng mật cuối thế Trung Tân ở Trung Phi (Howellictis) và Đông Phi (Erokomellivora). Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra lửng mật Langebaanweg hơi nhỏ hơn họ hàng hiện đại của nó, nhưng cũng là động vật ăn thịt cơ hội với khả năng đào đất.
Lửng mật ngày nay (Mellivora capensis) thuộc về họ Chồn bao gồm chồn, rái cá và lửng mật. Chúng sống ở phần lớn khu vực cận Sahara châu Phi và Đông Á, bao gồm Ấn Độ. Dù kích thước tương đối nhỏ (9-14 kg), lửng mật nằm trong số những động vật hung dữ và đáng sợ nhất thế giới. "Ngay cả động vật ăn thịt lớn như báo hoa mai, linh cẩu và sư tử cũng tránh xa lửng mật", Valenciano cho biết. Lửng mật sở hữu hàm răng sắc và móng vuốt dài để bắt mồi, nhưng chúng cũng ăn quả mọng, rễ và củ cây, côn trùng, động vật có xương sống nhỏ.
An Khang (Theo Phys.org)