Khám phá mới được công bố vào hôm qua trên tạp chí Proceedings of the Royal Society B sau khi các nhà nghiên cứu kiểm tra 7 mẫu vật hóa thạch, bao gồm cả một hộp sọ hoàn chỉnh, được tìm thấy trên các bãi biển ở khu vực Taranaki, phía tây Đảo Bắc của New Zealand.
Sinh vật được đặt tên là Eomonachus belegaerensis thuộc về một loài hải cẩu không tai chưa từng được biết tới sống cách đây 3 triệu năm. Nó dài khoảng 2,5 m và nặng 200 - 250 kg, tương đương kích thước của hải cẩu xám ngày nay.
Trước đây, các nhà sinh vật học cho rằng tất cả hải cầu đều có nguồn gốc từ Bắc Đại Tây Dương, sau đó bơi qua đường xích đạo để mở rộng phạm vi sống tới những vùng biển xa hơn về phía nam như Nam Cực. Tuy nhiên, phát hiện mới cho thấy nhiều loài hải cẩu cổ đại, bao gồm tổ tiên của hải cẩu không tai, hải cẩu voi và hải cẩu Nam Cực, có thể đã tiến hóa từ vùng biển Nam bán cầu.
"Eomonachus belegaerensis là loài hải cẩu không tai tiền sử đầu tiên được tìm thấy ở Nam bán cầu. Điều này thực sự làm thay đổi hiểu biết của chúng tôi về quá trình tiến hóa của hải cẩu", Tiến sĩ James Rule từ Đại học Monash của Australia, một trong những tác giả chính của nghiên cứu, nhấn mạnh.
Nhà cổ sinh vật học Felix Marx từ Bảo tàng Te Papa của New Zealand, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết thêm rằng khám phá mới có sự đóng góp rất lớn của các nhà khoa học công dân. Tất cả 7 mẫu vật Eomonachus đều được tìm thấy bởi các thành viên của công chúng và được bảo quản rất tốt.
"New Zealand vô cùng phong phú về hóa thạch và không ai biết ngoài kia còn gì nữa hay không. Chúng tôi hy vọng sẽ có thêm những khám mới để hiểu thêm về cuộc sống hoang dã tại vùng biển New Zealand trong quá khứ", Marx chia sẻ.
Đoàn Dương (Theo Phys)