Ngôi nhà của hoạ sĩ nằm ngay mặt đường phố Sơn Tây, Hà Nội, nhưng khi bước vào căn phòng ở tầng hai, nơi anh trưng bày các trang thiết bị, những âm thanh xáo động ngoài đường phố biến mất. Khách đến thăm có thể hình dung căn phòng như một tác phẩm sắp đặt. Theo lời đề nghị của chúng tôi, anh bật thử một clip demo với hình ảnh chiến trận và chúng tôi có cảm tưởng như đang ngồi trong một không gian đa chiều. Những tiếng nổ chát chúa đập dội từ mọi phía. Tiếng xe tăng lăn bánh ầm ầm, cảm nhận được sức nặng của cả tấn sắt thép. Một người lính bị đạn bắn ngang tai, khiến anh ù tai, những tiếng nổ dữ dội chìm đi, chỉ còn lại những tiếng u u… của một người không còn khả năng thính giác.
![]() |
Quách Đông Phương với tài sản quý giá. |
Hoạ sĩ họ Quách đam mê thưởng thức âm thanh ngay từ khi còn học trung học. Không như nhiều dân chơi, khuân về nhà hàng đống dàn máy để "trưng bày", các thiết bị của Phương đều được sử dụng một cách tối ưu, trong đó có nhiều đồ anh tự "sáng chế". Anh đã tìm mua các loại loa khác nhau, sắp xếp chúng thành một bộ âm thanh vòng lập thể, với kỹ thuật hiện đại THX như ở rạp Dân Chủ. Hiện ở VN, chỉ có Dân Chủ được thử nghiệm loại hình kỹ thuật này với số tiền đầu tư lên đến 1 triệu USD, các rạp còn lại phần lớn là kỹ thuật DTS. Giới buôn thiết bị âm thanh biết Phương khá rõ nên cứ có "món" nào chất lượng cao là gọi anh đến. Mới đây, nhạc sĩ Ngọc Đại vì chuyển vào Huế sinh sống nên đã bán cho anh bộ ampli với giá người nhà 1.200 USD. Theo anh, để có một dàn máy hoàn chỉnh theo đúng nghĩa, cần đầu tư khoảng 7-8 nghìn USD.
Quách Đông Phương từng sở hữu hàng chục chiếc máy cối, nhưng sau đó tặng lại cho bạn bè, hiện chỉ còn giữ hai cái. Bên cạnh đó, anh rất thích âm thanh trung thực của những chiếc đĩa than. Anh cho rằng, âm thanh của thiết bị kỹ thuật số không đa dạng và không thật như kỹ thuật analog. Nghe thử đĩa nhạc Robertini, đã thu cách đây hàng nửa thế kỷ, chúng tôi có thể nhận thấy những tiếng lách tách nhỏ, như thể hiện dấu ấn của thời gian. Tuy nhiên, giọng hát opera vẫn trong và mảnh. Quách Đông Phương cho biết, anh hiện có khoảng 300 đĩa nhạc, phần lớn đã mua trong những chuyến ra nước ngoài. Thông thường, mỗi đĩa khoảng 15 USD, băng cối thì chừng 80 USD. Không chỉ nghe nhạc, Đông Phương cũng tham gia vào công việc pha trộn, cắt dán những mảng khối âm thanh, để tạo nên hiệu quả nghe mới.
Nếu rượu ngon cần có bạn hiền thì với thú chơi âm thanh, Quách Đông Phương và Lê Thiết Cương là một cặp như thế. Không hay mày mò và thích sưu tầm đủ thể loại thiết bị như Đông Phương, gã đầu trọc Thiết Cương chỉ tập trung nuôi tai nghe nhạc bằng một đôi loa bởi theo anh, âm thanh cần phải thể hiện ở độ nguyên bản của nó. Và để có được đôi loa ấy là cả một câu chuyện. Hoạ sĩ đã phải nhờ một người bạn, mua vé khứ hồi vào TP HCM để tư vấn cho anh. Sau khi hì hục thử đi thử lại, anh quyết định mua đôi loa trị giá 30.000 USD. Một lần nữa, anh phải đầu tư cho chủ hàng vé máy bay ra Hà Nội để lắp đặt thiết bị. Đôi loa là sản phẩm của Thiel CS 3.6, từng đoạt giải Loa của năm 1993 do tạp chí Stereophile bình chọn. Sử dụng đôi loa này được 4 năm, Lê Thiết Cương bắt đầu nghĩ đến việc nâng cấp thiết bị của mình.
Theo Lê Thiết Cương thì khó khăn nhất trong việc chơi âm thanh là tìm đĩa chất lượng cao để nghe. Cũng như Quách Đông Phương, anh rất say mê âm thanh của đĩa than, nhưng ngay cả ở nước ngoài, đĩa than cũng không dễ tìm. Lý giải về sự khan hiếm của loại đĩa này, anh cho rằng, đó là vì nó quá nặng, lại khó bảo quản, rất dễ bị méo. Dù vậy, Lê Thiết Cương vẫn tìm mua được hàng trăm chiếc đĩa than. Và để bảo quản chúng, anh đã phải tìm mua chiếc chổi quét bụi hiệu Audioquest ở trời Mỹ. Hoạ sĩ kết luận: "Chiều cái tai tốn kinh khủng".
Anh Tuấn - Thu Trang