Triển lãm đầu tay của Hồng Ngọc diễn ra từ ngày 7 đến 16/7 ở một phòng tranh tại quận 2, xoay quanh đề tài chân dung thiếu nữ. Khác cách vẽ thông thường, họa sĩ đi màu bằng tay, với các tác phẩm tiêu biểu như Eva trong vườn địa đàng, Thiếu nữ và hoa sen, Thiên thần hộ mệnh.
Hồng Ngọc cho biết đam mê hội họa từ đầu những năm 2000 - thời tiểu học, khi cô tập vẽ trên giấy vụn. Năm 15 tuổi, cô được cha - họa sĩ Nguyễn Hưng Trinh - dạy vẽ bằng ngón tay. Cô nhanh chóng tiếp nhận kỹ thuật vẽ với thể loại chân dung, tĩnh vật.
Theo Hồng Ngọc, vẽ bằng ngón tay khó hơn bằng cọ vì cần nhạy cảm về màu sắc, tranh hư sẽ khó sửa. Họa sĩ nặn màu trực tiếp lên vải canvas rồi dùng ngón tay miết. Với kỹ thuật này, tranh có độ loang, chuyển màu vừa phải. Họa sĩ nói: "Với tôi, ngón tay là cách để bản thân truyền tải cảm xúc vào tác phẩm chân thực nhất, cảm nhận sơn và vải như hòa làm một".
Hồng Ngọc không theo đuổi lối vẽ tả thực mà thiên về ước lệ. Các nhân vật trong tranh thường có đôi mắt to tròn, vóc dáng mảnh mai.
Họa sĩ cho biết không thi vào đại học mà chủ yếu tự học, tham gia một số lớp đào tạo ngắn hạn. Với cô, vẽ tranh là quá trình soi chiếu vào bên trong bản thân. "Khi vẽ, tôi tìm được sự bình an cho tâm hồn, được mơ mộng và tự do với 'những nỗi buồn đẹp'", họa sĩ nói.
Xem triển lãm, nhà phê bình mỹ thuật Nguyên Hưng cho biết dù đề tài quen thuộc, ông ấn tượng về cấu trúc, bố cục và bảng màu. "Tôi thích hình ảnh đôi mắt mở to nhưng trạng thái cảm xúc trong bức tranh thì khác nhau, từ ngây thơ, hồn nhiên đến lo lắng, u sầu", Nguyên Hưng nói.
Mai Nhật