40 năm qua anh Nguyễn Mậu Tấn miệt mài vẽ. Ảnh: Người Lao Động. |
Trong căn nhà ngói hai gian nằm lọt thỏm giữa làng Trung Chánh, xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế, họa sĩ mất tứ chi đang miệt mài vẽ tranh. “Thấy mình không còn tay, chân mà vẽ được là mừng lắm rồi huống hồ kiếm sống nhờ vẽ tranh”, anh Tấn nói.
Chiến thắng nỗi đau
Vào một ngày tháng 2/1977, người dân làng Trung Chánh đang làm đất canh tác bỗng nghe tiếng mìn nổ xé tai từ thửa ruộng anh Tấn. Thấy anh ngất xỉu, người đầy máu, bà con làng xóm đưa anh đi cấp cứu. Khi tỉnh dậy trên giường Bệnh viện Trung ương Huế, anh bàng hoàng thấy cả tay, chân mình không còn nữa.
Lành vết thương, anh trở về nhà, nhưng mang đầy mặc cảm. Lo cho cha mẹ già còm cõi phải vất vả vừa nuôi 11 em nhỏ, vừa “đèo bòng” đứa con khuyết tật như mình nữa thì cực muôn phần, nên nhiều lần anh tìm đến cái chết. Nhưng “có lẽ tôi vẫn còn duyên nợ với cuộc đời. Tôi cũng không nỡ phụ lòng cha mẹ đã nuôi nấng mình bao nhiêu năm”, anh tâm sự.
Anh bắt đầu học viết. Nối mẩu bút chì với chiếc đũa, anh ngậm vào miệng nguệch ngoạc từng chữ o, a, rồi tập ghép chữ thành một câu. Khi viết chữ thành thạo bằng miệng anh vẫn chưa làm được việc gì để giảm gánh nặng cho cha mẹ nghèo. Trăn trở mãi, anh thử cộng tác viết bài cho thông tin văn hóa xã. “Hồi đó, tôi viết mỏi cả miệng mới hoàn thành một bài báo đọc lên loa phóng thanh xã. Cứ như thế một bài báo xã tính cho một công điểm”, anh Tấn nhớ lại.
Và trở thành họa sĩ
Lúc đầu anh chỉ nghĩ học vẽ cho biết, nhưng khi dùng miệng vẽ, anh cảm thấy khó khăn vô cùng. Ngậm bút chì hí hoáy mãi cuối cùng anh cũng đặc tả chân dung cha mình lên tờ giấy kẻ ô. Cha thấy anh vẽ được tranh liền động viên. Không nản lòng, anh chọn gọi 11 đứa em làm mẫu cho anh vẽ chân dung.
Dần dần tranh anh vẽ được người trong xã biết đến. Nhiều nhà có thân nhân là liệt sĩ đều đến nhờ anh vẽ ảnh thờ. Đặc biệt, anh được thầy cô ở trường mầm non, trường tiểu học xã đặt vẽ tranh phục vụ công việc giảng dạy. “Vậy là có việc để làm, để tự nuôi sống mình. Lúc đó tôi đã rất sung sướng”, họa sĩ tâm sự.
Cảm phục ý chí và đam mê vẽ tranh của anh, các thầy cô ở Trường THCS An Lương Đông (huyện Phú Lộc) đã mượn những cuốn tài liệu mỹ thuật, lý luận về hình họa ở Trường Cao đẳng Sư phạm Huế để anh tham khảo. Qua sách, anh tự trang bị kiến thức hội họa.
Cũng từ đó tranh anh vẽ đã lan truyền khắp huyện. Năm 1982, anh đại diện cho người khuyết tật Thừa Thiên - Huế tham gia triển lãm tranh quốc tế tại Hà Nội, với chân dung Hồ Chí Minh. Nhiều bức tranh anh vẽ còn được Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TP HCM chọn lưu giữ.
Xe duyên với cô giáo làng
Từ ngày anh Tấn nhận vẽ tranh cho các trường học, có một cô giáo mầm non tên Nguyễn Thị Phát thường lui tới nhà. Trong lần dự thi giáo viên dạy giỏi toàn tỉnh, cô Phát đã sử dụng tranh của anh cho bài giảng và đoạt giải.
Thấy tranh anh Tấn vẽ có duyên với giáo án mình dạy, dần dần cô Phát có cảm tình với anh. Tình yêu giữa chàng họa sĩ với cô giáo làng tưởng nhiều lần đổ vỡ bởi sự ngăn cấm từ gia đình cô. Nhưng sức mạnh tình yêu đã chiến thắng, cô giáo làng một mực: “Sướng hay khổ, vẫn nhất quyết lấy anh họa sĩ làm chồng”.
Sau ngày cưới được một năm, anh chị sinh được cô con gái đầu lòng xinh xắn. Vì bận dạy học, vợ anh đành để lại việc nhà lẫn việc chăm sóc con cho anh đảm nhận. Từ việc chăm sóc con đến vẽ tranh anh đều dùng miệng, dẫn đến hai mắt yếu đi. Không còn cách nào khác, anh phải tập làm bằng hai khuỷu tay mà nhiều lúc đau tứa máu. Vậy mà lần lượt bốn cô con gái đều do anh chăm sóc.
Khi các con đến tuổi ăn, tuổi học, cuộc sống gia đình lại khó khăn thêm. Ngoài công việc vẽ tranh thuê, anh mở lớp dạy thêm ở nhà. Học trò của anh đa phần là con em nhà nghèo định cư ở sông Đầm. Một số học trò có hoàn cảnh đặc biệt đã được anh miễn học phí. Anh còn tham gia xóa mù cho người dân vạn đò sống trôi nổi trên các con sông huyện Phú Lộc.
Thù lao anh nhận được từ những buổi dạy xóa mù là bó rau, con cá xách về nhà nuôi vợ con. Chính nghị lực vượt lên số phận và những đóng góp cho cộng đồng, anh đã được Trung ương Hội Bảo trợ người tàn tật và Trẻ em mồ côi Việt Nam trao giải thưởng “Alanxan - chiến thắng nỗi đau”.
(Theo Người Lao Động)