Ngày 10/9, nhà giáo nhân dân - họa sĩ Uyên Huy ra mắt ấn phẩm Mỹ thuật đô thị Sài Gòn - Gia Định (từ 1900 đến 1975).
Cuốn sách này tổng hợp từ nhiều nguồn tư liệu quý giá, dày gần 700 trang. Sách phác họa khái quát diện mạo của mỹ thuật đô thị Sài Gòn trong hơn 100 năm, tính từ năm 1900 cho đến 1975. Diện mạo này là sự giao thoa đầy đủ của các nền văn hóa Chăm Pa, Chân Lạp, Óc Eo, Khmer, văn hóa người Hoa và văn hóa Pháp. Sự kết hợp được chứng minh qua các sự kiện, nhân vật, các công trình, tác phẩm... liệt kê khá đầy đủ trong sách.
Họa sĩ Uyên Huy cho biết, một trong những lý do ông thực hiện đề tài này là mong muốn thế hệ sau có cái nhìn đúng đắn, chính xác hơn về những đóng góp của mỹ thuật Sài Gòn xưa trong dòng chảy chung của nền mỹ thuật.
"Tôi nhận thấy sau năm 1975, nhiều người không hiểu rõ về mỹ thuật của vùng đất này, tôi quyết định phải thực hiện cuốn sách để làm sáng tỏ nhiều nghi ngờ và hiểu lầm về vai trò của mỹ thuật Sài Gòn - Gia Định trong giai đoạn kéo dài khoảng 100 năm", tác giả chia sẻ.
Ông cho biết, cuốn sách được viết dưới dạng tư liệu tham khảo nhiều hơn là tư liệu lịch sử. Ngoài đề cập đến các hoạt động về mỹ thuật, từ hội họa, kiến trúc, mỹ thuật tạo hình, lý luận mỹ thuật... tác giả đăng tải nhiều hình ảnh tư liệu độc đáo như các poster quảng cáo, bìa băng đĩa, poster phim... Các hình ảnh này mang nét đặc trưng cho phong cách mỹ thuật ứng dụng Sài Gòn xưa.
Nghệ sĩ Ưu tú, Tiến sĩ mỹ thuật Trương Phi Đức nhận xét: "Ấn phẩm này là một tập hợp những tư liệu khoa học quý giá về đào tạo mỹ thuật và hoạt động sáng tác của vùng đất Sài Gòn đa dạng về văn hóa".
Sách giành được giải thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam, được đánh giá xứng đáng là cẩm nang bổ ích cho những độc giả muốn tìm hiểu về văn hóa một thời của Sài Gòn.
Châu Mỹ